Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, vong nhân được xá tội trong ngày này là các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Quan niệm về xá tội vong nhân Rằm tháng 7
Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2003) của Hoàng Phê chủ biên: “xá tội” là tha tội, miễn tội, không bắt phải chịu tội; “vong nhân” là từ chỉ người đã chết.
Như vậy, “xá tội vong nhân” nghĩa là ân xá, tha tội cho các vong nhân. Sách Việt Nam phong tục (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, năm 2020) của Phan Kế Bính ghi rằng: “Ta thường cho rằng, hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội vào ngày hôm ấy”.
Trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), PGS.TS Bùi Xuân Đính giải thích kỹ hơn về lễ tục này như sau: Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, vong nhân được xá tội trong ngày này là các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian, vào ngày rằm tháng Bảy (nhiều địa phương có thể tiến hành trước) phải bày mâm cúng chúng sinh, còn gọi là cúng thí thực (tặng thức ăn) hay cúng cô hồn.
Việc cúng cô hồn bắt nguồn từ truyền thuyết giữa ông A Nan Đà (gọi tắt là A Nan), với con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hay còn gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Sách Tìm hiểu các ngày lễ tết trong năm (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, năm 2016), tác giả Bùi Sao kể: “Vào một buổi tối A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào.
Quỷ tiên báo cho A Nan biết rằng, ba ngày sau ông sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ, ở đó lửa cháy to. A Nan nghe thấy thế hoảng quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi cảnh khổ ấy.
Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được luân hồi chuyển kiếp”.
A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước, để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn”.
Thực hành cúng vong nhân Rằm tháng 7
Địa điểm cúng vong nhân, có thể ở ngoài sân, trước thềm nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng); nhiều xóm, ngõ tổ chức cúng chung tại điếm xóm, đình, chùa hoặc ngã ba đường. Thời gian cúng thường diễn ra vào buổi chiều.
Lễ vật trên mâm cúng cô hồn rất đơn giản, tất cả đều là những món chay gần gũi với người Việt. Bao gồm quần áo giấy với nhiều màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, hồng), các loại bánh kẹo như bánh đa, bánh bỏng, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo loãng (cháo hoa), tiền vàng mã, nước lã hoặc rượu nếp, chén muối, chén gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại quả trong mùa như ổi, thị, na…
PGS.TS Bùi Xuân Đính lưu ý rằng, trên mâm cúng vong nhân tại nhà tuyệt đối không dùng đồ mặn vì sợ đem bày đồ này sẽ làm dậy lòng tham của các cô hồn, sẽ quấy rối gia chủ.
Sau khi cúng cô hồn xong phải thực hiện thủ tục tiễn khách, tức là mời các vong đi, để tránh đưa vong hồn vào nhà, gây nên những tai họa cho gia đình.
Trong cuốn Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay (Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Mỹ cho biết, một số địa phương ngoài cúng ở nhà còn thực hiện cúng vong nhân tại cầu, quán, đình, chùa… gọi là cúng cháo.
Lễ vật có cháo hoa, cơm nắm, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè… và đồ vàng mã. Người ta bày lễ vật lên mẹt hay nong, riêng cháo thì múc đổ vào lá mít, lá đa và cuộn thành hình bồ đài.
Rằm tháng 7: Những điều nên làm và kiêng kỵ
Điều nên làm trong Rằm tháng 7
Mọi người trong gia đình cùng quây quần vui vẻ, tránh xung đột, giữ hòa khí và cùng nhau chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng 7.
Chuẩn bị chu đáo lễ vật và tiến hành đúng, đủ các nghi lễ cúng Rằm tháng 7 để tỏ lòng thành kính nhất gửi tới người thân đã khuất. Tháng cô hồn nên tránh sát sinh. Vì thế, mâm cơm cúng Rằm cũng nên ưu tiên đồ chay.
Hãy chuẩn bị giò, chả chay hay nem nấm, canh rau củ quả, các món từ đậu hũ… Mâm cơm thanh tịnh sẽ giúp lọc sạch tà khí, loại bỏ sân si, tạp niệm.
Đi thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa trang hay trong chùa chiền, nơi lưu giữ các hũ hài cốt.
Đi chùa cũng là một việc nên làm trong Rằm tháng 7, vừa để thắp nhang cầu siêu cho người đã khuất vừa tiếp nhận được năng lượng bình yên từ nhà chùa.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Vu Lan là mùa báo ân, mọi người nên làm việc thiện, nói lời ái ngữ, suy nghĩ những ý tưởng thiện lành để cầu sự bình an cho bản thân, gia đình đang còn hiện thế; đồng thời, hồi hướng cầu nguyện siêu độ cho cha mẹ, tiên tổ đã quá vãng. Đó là việc làm có ý nghĩa và thiết thực nhất trong mùa tháng 7 này.
Làm mâm cúng cô hồn để trước cửa hay ngoài trời để giúp đỡ những vong hồn ma quỷ đói và thiếu thốn lang thang ở dương gian. Tuy nhiên khi cúng cô hồn xong, gia chủ hãy tung một nắm gạo hoặc muối từ trong nhà ra khỏi cửa. Hành động này giống như tiễn cô hồn, xua tan âm khí. Chú ý, không ném gạo muối từ ngoài vào trong nhà.
- Bài cúng Rằm tháng 7 tại mộ năm 2022 mới nhất
- Cúng Rằm tháng 7 năm 2022: Những điều nhất định phải ghi nhớ để đón may mắn và bình an
- Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 đơn giản nhất!
Những điều không nên làm ngày Rằm tháng 7
Vào tháng 7 âm lịch, nhất là vào ngày Rằm tháng 7, gia chủ nên tránh làm những điều dưới đây:
Không cúng chúng sinh trong nhà: Theo quan niệm, cúng “cô hồn" trong nhà thì những tà vong sau khi đến thụ hưởng đồ lễ cúng sẽ lưu luyến không rời khỏi nhà, quấy nhiễu người sống trong ngôi nhà đó. Nếu nhẹ thì bị bóng đè, duyên âm, nặng thì bị tâm thần bất ổn, ốm đau liên miên. Gia chủ nên cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc nếu được thì đăng ký cúng ở đình, chùa...
Không chửi thề, nói những lời cay nghiệt: Trong Rằm tháng 7, mọi người sống hướng nội nhiều hơn, nghĩ điều hay, làm điều phải… Người ta không chửi thề, không nguyền rủa ai cay nghiệt trong tháng này bởi sợ “vong nhân” đi ngang đúng lúc người dương buông lời quá đáng, sẽ vô tình xúc phạm, khiến “vong nhân” tức giận.
Theo quan niệm phong thủy, vào tháng 7 Âm lịch, bạn cần kiêng, tránh động đến nhà cửa như: động thổ hay cất mái bởi khi động thổ xây nhà sẽ làm Âm - Dương mất cân bằng dẫn tới nhiều tác động xấu tới người động thổ.
Trường hợp đang xây dựng thì có thể tiếp tục các công việc đang làm mà không cần kiêng cữ tới mức dừng hết các công việc.
Không ăn vụng đồ cúng, không treo chuông gió ở đầu giường, không tùy tiện đốt giấy, vàng mã, không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường…
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Bảo Anh (tổng hợp)
Tags