Những hậu quả đáng tiếc từ các nạn bạo hành không chỉ là những đau đớn tổn thương về thể xác mà còn là những sang chấn tâm lý mạnh cần phải điều trị lâu dài, có những vụ việc nguy kịch dẫn đến trẻ tự giải thoát cho mình bằng cách tìm đến cái chết.
Những con số đau lòng ở gia đình
Hôm qua 27/05, Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM đã phối hợp với Trung tâm tư vấn FDC tổ chức Hội thảo khoa học: “Bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường ở Tp.HCM – thực trạng và giải pháp” nhằm nhìn nhận lại thực trạng này. ThS. Lê Thị Ngọc Dung - Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM cho rằng, trường hợp cha mẹ bị ngược đãi đánh đập từ thuở nhỏ, sau này lại lặp lại cách đối xử đó với con cái mình không phải là hiếm. Sự bạo hành của người cha (người mẹ) đối với con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Trước mắt bạo hành là nỗi khiếp sợ và căm ghét của trẻ, nhưng tới khi trưởng thành, những đứa con, lại có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người thân. Khi thực hiện hành vi bạo lực, họ dường như không còn kiểm soát được hành vi của mình. Như vậy, di chứng tinh thần của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của đứa trẻ.

Báo cáo sơ bộ của Viện KSND Tp.HCM cho thấy, trong năm 2008 riêng tại thành phố này có 18 học sinh bị khởi tố bởi các tội danh nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, phá hoại tài sản nhà nước… Còn theo số liệu thống kê của Viện KSND Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Một nghiên cứu của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.
Và chuyện buồn ở trường học
![]() Bạo hành trong nhà hay nhà trường không chỉ là vấn đề đạo đức của người
lớn, của thầy cô giáo hay của phụ huynh, mà còn liên quan đến việc
trang bị và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cũng như tăng cường sự hiểu
biết về kỹ năng này ở chính những người lớn chúng ta. Đó chính là
phương pháp làm việc với trẻ, cách xử lý những vấn đề “mâu thuẫn” giữa
người lớn với các em. Và ở một mức độ nào đó, phải chăng “bạo hành”
chính là sự bất lực của người lớn đối với trẻ, và bất lực với chính
mình? (TS Nguyễn thị Hậu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển -
ảnh) |
Bà Nguyễn Thị Kim Bắc - Trung tâm Tư vấn FDC cảnh báo: chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết và chưa quên trường hợp của bé Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết. Bảo mẫu Quảng thị Kim Hoa ở Biên Hoà - Đồng Nai thì dùng bạo lực với trẻ em do bà ta trông giữ, đến độ phải lãnh án tù… Ấy là những vụ “nổi tiếng”, vì hậu quả nghiêm trọng: gây thương tích, chết người, nên công luận lên tiếng và mọi người mới biết. Còn những kiểu bạo hành âm thầm, “hành” mà không “bạo”, không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay. Bằng những sự mắng nhiếc, đe nẹt, doạ dẫm, “khủng bố” tinh thần và thể xác; do vô tình hay cố ý… thì không phải ai cũng biết, cũng cảm nhận được. Nhà cải cách giáo dục số 1 của Việt Nam, nhà giáo tâm huyết – GS.TS Hồ Ngọc Đại, suốt đời ông chỉ đau đáu với phương châm: làm sao xây dựng được một môi trường, một phương pháp giáo dục. Để mỗi ngày, với mỗi đứa trẻ đến trường là MỘT – NGÀY - VUI. Với lứa tuổi mầm non – tiểu học, điều đó càng cần hơn ai hết, bởi đó là lứa tuổi dễ bị lạm dụng bạo lực, dễ bị tổn thương nhất, vì chúng chưa có khả năng tự vệ. Chúng vẫn chỉ là “búp trên cành”, cần được dạy dỗ bằng nâng niu, chở che, khích lệ và yêu thương…
Nhận định về bạo hành trong nhà trường, TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM khá mạnh mẽ: Nếu so với thời phong kiến thì nạn bạo hành trẻ em ngày nay không tàn bạo bằng nhưng so với xã hội văn minh thì nạn bạo hành trẻ em ngày nay ở Việt Nam còn mang đậm nét tàn bạo của thời phong kiến. Có hình thức bạo hành trẻ em vô cùng dã man là: một số người lớn đã bắt trẻ em đi móc túi, ăn trộm, ăn xin suốt ngày trên đường phố bất kể nắng mưa để nộp tiền cho chúng, nếu không nộp đủ sẽ bị đánh, bị phạt nhịn đói. Ở Việt Nam cũng có đường dây nóng chống bạo hành nhưng do quan niệm về văn hóa truyền thống nên những người bị bạo hành thường cam chịu mà không dám gọi đường dây nóng vì chúng sợ sự trừng phạt của người lớn sau đó.
Tại hội nghị quốc gia về phòng chống xâm hại trẻ em do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Plan tổ chức tháng 8/2008, theo báo cáo của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) thuộc Bộ này thì từ năm 2005 – 2007, số vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp ba lần so với trước đó; 58,3% trẻ được khảo sát một cách ngẫu nhiên tại một số tỉnh, thành cho biết các em thường xuyên bị người lớn quát mắng, sỉ nhục, tát và đánh... khi các em mắc lỗi. ThS. Võ Thị Hoàng Yến - Đại học Mở TP.HCM dẫn lại một câu nói của Chesterton: “Vấn đề không phải là chúng ta không thể tìm ra giải pháp mà ở chỗ chúng ta không nhìn ra bản chất của sự việc.
(Còn nữa)