Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền rất mạnh tay để mua đồ hàng hiệu. Và để thỏa mãn cơn khát đó, có không ít người trong số họ đã phải đánh đổi nhiều thứ hơn thế.
Thực tế là nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày nay thích sống theo kiểu YOLO (You Only Live Once) và sẵn sàng chi toàn bộ thu nhập hàng tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm với chi phí từ trung cấp đến cao cấp. Đương nhiên, họ chẳng thể tiết kiệm được đồng nào, thậm chí còn mang một khoản nợ trong thẻ tín dụng dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Hầu hết chúng ta chỉ nghĩ thoáng qua mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, mua gì, đầu tư như thế nào. Khi còn trẻ, ta ít khi nghĩ đến việc tiết kiệm để nghỉ hưu vì hầu hết chúng ta đều mang tâm lý bình thản, nghĩ điều đó quá xa vời. Một số người cho rằng tiết kiệm quá thì cuộc sống chẳng còn gì thú vị. Tuổi trẻ chỉ đến một lần, bây giờ không tận hưởng thì còn chờ đến khi nào nữa?
Cuộc chơi tốn kém
Chi ra hàng chục triệu đồng để sở hữu chiếc Iphone mới nhất ngay khi chiếc điện thoại này chính thức mở bán tại Việt Nam là điều mà Duy Minh (23 tuổi) thường xuyên làm trong những năm vừa qua. Mới ra trường, lương ba cọc ba đồng nhưng điện thoại cứ đổi liên tục. Tuần nào cũng đi đá bóng, nhậu nhẹt, sinh nhật, hát hò...
Nhiều lần được mẹ chấn chỉnh: “Con chỉ cần tiết kiệm một tháng được vài ba triệu đồng là sẽ có một khoản kha khá cho mai sau rồi”. Nhưng Minh đều phớt lờ, nghĩ chừng đó thì ăn thua gì, tiết kiệm được mấy đâu, còn trẻ nên cứ hưởng thụ để không lãng phí thanh xuân.
Cứ như vậy đến khi chuẩn bị du học, Minh không còn một xu dính túi, phải ngửa tay vay của bố mẹ. Lúc sang nước bạn, cậu phải học cách chi tiêu tiết kiệm vì nếu hết tiền sẽ không biết vay ai. Đây là câu chuyện có lẽ nhiều người trẻ đang mắc phải, nhưng rồi cuối cùng, đến lúc có việc làm, lập gia đình, phải mua nhà, mua xe, các bạn cũng phải tiết kiệm thôi. Ra đời mới biết, không tiền tiết kiệm không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mình mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Khác với Duy Minh, Hoàng Long (22 tuổi, sinh viên vừa ra trường) không có nhiều điều kiện để “vung tay” như vậy. Dù mỗi khi ra đường là diện điện thoại đời mới, xe đắt tiền, những đôi giày hiệu nhưng không ai biết, những thứ hào nhoáng đó đang là “món nợ” cậu nhân viên hành chính với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng đang phải gánh chịu.
“Điện thoại của mình là trả góp, xe thì mình cũng đi mượn, những đôi giày thì có đôi mua thật, có đôi thì mình mua hàng nhái nhưng là nhái 'xịn', thẻ tín dụng thì lúc nào cũng trong tình trạng 'đè' cổ mình mỗi tháng”, Hoàng Long chia sẻ.
Thất bại với kế hoạch tiết kiệm
Các bạn trẻ ngày nay nghĩ rằng tiền dễ kiếm, họ có thể ngồi nhà và lên mạng cũng kiếm được tiền dễ dàng. Nhiều người thản nhiên chi tiêu những khoản tiền vay mượn, nhận trợ cấp của gia đình, tiền được cho từ người khác. Còn tiền lương do họ đi làm mà kiếm được thì ít ai để ý. Các bạn trẻ ngày nay dễ dàng từ bỏ các công việc lương thấp hay không phù hợp dù chưa có công việc khác thay thế do đã có những sự hậu thuẫn phía sau bao bọc.
Ai trong đời cũng sẽ nghĩ đến việc tiết kiệm. Yến Nhi (một độc giả) cũng vậy. Cô gái 9X từng hạn chế đi chơi, tập thói quen nấu cơm mang đi làm. Cô còn tải app quản lý chi tiêu, chia nhỏ các khoản để kiểm soát. Nhưng điều này chỉ kéo dài 1 - 2 tháng, sau đó Nhi không thể nghiêm túc với hạn mức đề ra.
Các bạn nữ thường quan tâm mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp... Còn với Hà Nam (25 tuổi, nhân viên IT), đồ công nghệ là lẽ sống. Không tới mức âm lương nhưng anh nói "để dành tiền khó lắm". "Mình còn trẻ, những thứ mình mua cũng phục vụ cho nhu cầu cần thiết mà", anh lý giải. Thế nhưng, anh cũng cho biết đợt tạm nghỉ việc hồi năm ngoái, anh cũng "sấp mặt" vì sau một tháng túi đã gần cạn tiền.
Từng trải qua những lần lên xuống thu nhập thất thường và chứng kiến người xung quanh thất nghiệp hoặc đau ốm, có việc đột xuất, phải chạy đi vay mượn mặc dù trước đó họ luôn tạo hình ảnh sang chảnh. Nam tự nhủ: "Chắc tôi cũng phải nghĩ tới việc dành dụm, lỡ có chuyện gì còn có mà xài chứ đi vay mượn cũng kỳ...".
Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, năng động và kiếm được nhiều, thậm chí rất nhiều tiền. Kiếm tiền và tiêu tiền thế nào có lẽ họ còn giỏi hơn thế hệ đi trước. Không như ngày xưa, bố mẹ khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Mỗi thời một khác, chúng ta đừng vội đánh giá người trẻ hư hỏng, đua đòi. Chỉ nên chỉ trích một số người chưa kiếm ra tiền mà đã lo hưởng thụ. Còn người đã đi làm, kiếm tiền, họ hưởng thụ như thế nào là quan niệm của mỗi người.
Có thể thấy, việc yêu thích hàng hiệu, đồ công nghệ không có gì là xấu, nó giúp mỗi người tiếp cận với cuộc sống văn minh và có những cách thức ngày càng tốt hơn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ vội vàng chạy theo một cách mù quáng, theo thị hiếu mà không thực sự tận dụng được hết những công dụng của sản phẩm đó nên vô tình trở thành những “con nghiện”. Bản năng con người luôn muốn tìm và khám phá điều mới lạ, quan trọng nhất là việc các bạn biết cân nhắc lợi - hại để đam mê theo cách sáng suốt nhất.
Tags