Điện ảnh không thể thiếu công nghệ, kể từ khi bộ phim điện ảnh được xem là đầu tiên ra đời trên thế giới vào năm 1888. Để nền công nghiệp điện ảnh Việt phát triển, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong mọi khâu từ hình thành tác phẩm đến quảng bá, phát hành…
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam - nêu quan điểm, công nghiệp điện ảnh cần dựa trên các yếu tố cơ bản là: 1 - sáng tạo; 2 - sản xuất ra tác phẩm (phim); 3 - phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; 4 - bảo vệ thành quả sáng tạo, nghĩa là bảo vệ bản quyền tác phẩm. Trong tất cả các yêu tố cơ bản kể trên thì không thể thiếu công nghệ.
Vai trò của "Big Data" trong công nghiệp điện ảnh
PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nhận định: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã thách thức mọi ranh giới và tạo ra một sự kết nối toàn cầu chưa từng có. Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa giải trí mà còn là một phần quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Tuy nhiên, để tiến xa hơn và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khán giả, việc hiểu và tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) đã trở thành một điểm đặc biệt quan trọng.
Công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng tài năng điện ảnh, nguồn lực văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh. Vì thế, theo phân tích của PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Big Data trong xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đề cập đến việc thu thập, lưu trữ, và sử dụng một lượng lớn thông tin số hóa để cải thiện mọi khía cạnh của ngành điện ảnh.
Ở khâu sản xuất, Big Data có thể giúp các nhà sản xuất thu thập thông tin về xu hướng của khán giả, phản ứng của họ đối với các yếu tố cụ thể trong phim, và thậm chí là sự hiệu quả của diễn xuất.
Trong khi đó, ở khâu tiếp thị và phát hành phim, Big Data giúp các đơn vị phát hành, quảng cáo hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu, phân phối phim một cách hiệu quả hơn, và tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị. Thông qua việc theo dõi phản hồi của khán giả, họ có thể tối ưu hóa chi phí quảng cáo và đảm bảo rằng phim được quảng bá đến đúng đối tượng…
Big Data có thể cung cấp thông tin về các xu hướng và yếu tố phim phổ biến, giúp các nhà làm phim và biên kịch tạo nên nội dung hấp dẫn và thú vị cho khán giả.
"Chúng ta có thể sử dụng dữ liệu lớn từ các mạng xã hội, trang web đánh giá phim, và các nền tảng trực tuyến khác để phân tích cảm nhận và phản hồi của khán giả đối với các phim, giúp xác định những yếu tố phim nào là phổ biến và được yêu thích bởi khán giả" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
"Chúng ta cũng có thể sử dụng phân tích từ khóa và "hashtags" trên các nền tảng trực tuyến để tìm hiểu về các chủ đề và xu hướng phim đang được thảo luận nhiều nhất trong cộng đồng mạng. Điều này có thể giúp tạo ra nội dung liên quan đến những chủ đề hot. Đồng thời sử dụng các thuật toán NLP để phân tích đánh giá, bình luận, và bài viết trực tuyến về phim để nhận biết cảm xúc của khán giả đối với phim và xác định các yếu tố phim nào được nhắc đến tích cực hoặc tiêu cực. Cũng như sử dụng dữ liệu lớn để theo dõi các xu hướng văn hóa trực tuyến, bao gồm memes, trào lưu và cách diễn đạt trực tuyến để tạo nội dung phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa trên mạng xã hội hiện tại" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn phân tích thêm.
Được biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng Big Data trong ngành công nghiệp điện ảnh để tối ưu hóa sản xuất nội dung, tăng trải nghiệm của người xem, và tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh.
Netflix là một trong những ví dụ nổi bật về việc sử dụng dữ liệu lớn để phân tích sở thích của người xem. Theo đó, Netflix theo dõi mọi tương tác của người dùng trên nền tảng của họ như việc lựa chọn phim, thời gian xem, đánh giá phim, và thậm chí cả việc tạm dừng, tua lại hoặc bỏ qua phim. Dữ liệu thu thập được giúp Netflix xây dựng một hồ sơ cá nhân cho từng người dùng, bao gồm thông tin về sở thích, thể loại phim yêu thích, và lịch sử xem phim. Dựa trên hồ sơ cá nhân, Netflix sử dụng thuật toán gợi ý phim để đề xuất cho người dùng các phim mà họ có thể quan tâm. Hệ thống này liên tục cập nhật và cải thiện dựa trên hành vi xem phim mới nhất của người dùng. Netflix sử dụng dữ liệu để phát triển nội dung tùy chỉnh, thậm chí sản xuất nhiều loạt phim và chương trình dựa trên thông tin về sở thích của khách hàng.
Trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng Big Data không chỉ là một xu hướng, mà còn là một cơ hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
"Không có thị trường điện ảnh ổn định và phát triển thì không có công nghiệp điện ảnh… Một vấn đề nữa là khán giả. Khán giả cũng cần "công nghiệp", nghĩa là cũng cần biết xem phim, biết tận hưởng, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật…" - đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng
Trong cuộc Hội thảo mới đây về công nghiệp điện ảnh, đạo diễn Phi Tiến Sơn - đạo diễn của bộ phim đạt Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII "Đào, phở và piano" - đã có chia sẻ thẳng thắn: Máy móc phương tiện hiện đại có thể mua được. Nhà xưởng đất đai trường quay hoành tráng có thể được đầu tư, nếu nhà nước coi phát triển điện ảnh là một quốc sách để quảng bá hình ảnh, để phát triển kinh tế văn hóa du lịch (như Hàn Quốc chẳng hạn). Nhưng không có con người công nghiệp thì cũng chẳng làm được"!
Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, có vài đặc tính cơ bản về "con người công nghiệp" trong điện ảnh. Đó là cần được đào tạo (trong trường và ngoài đời), trong đó, đào tạo và tái đào tạo là yêu cầu bắt buộc của quá trình chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Con người đó cần có kỷ luật bởi nghề này đòi hỏi một guồng máy nhịp nhàng, linh hoạt và chính xác. Chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.
"Con người công nghiệp" theo vị đạo diễn còn cần có khả năng làm việc nhóm. Đây là yêu cầu gần như bắt buộc đối với mọi ngành nghề khi bước từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, quy mô công nghiệp. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân còn cần những thiết lập những nguyên tắc, quy tắc, quy trình làm việc. Và cuối cùng thì cần có ý thức (ý tưởng, ý muốn) làm ăn lớn.
Bên cạnh khâu "sáng tạo tác phẩm" đạo diễn cũng đặt ra câu hỏi về "đầu ra" tác phẩm. "Không có thị trường điện ảnh ổn định và phát triển thì không có công nghiệp điện ảnh… Một vấn đề nữa là khán giả. Khán giả cũng cần "công nghiệp", nghĩa là cũng cần biết xem phim, biết tận hưởng, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật. Các nhà lý luân phê bình và nhà trường cần giúp khán giả trẻ tận hưởng hữu ích nhất đồng tiền họ mua vé vào rạp" - đạo diễn Phi Tiến Sơn phân tích thêm.
Kết
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật được sinh ra và đồng hành cùng các bước tiến của khoa học kỹ thuật, điện ảnh thời 4.0 không thể đứng ngoài xu hướng phát triển của công nghệ.
Theo Luật Điện ảnh 2022 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh.
Hiện tại, còn quá nhiều vấn đề đặt ra với phát triển công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam hiện nay. Hy vọng loạt bài viết có thể góp tiếng nói vào tương lai phát triện của nền điện ảnh nước nhà.
Tags