Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16 - 2023 đã trao giải cho "Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội". Trao giải thưởng này đồng nghĩa với việc kỳ vọng vào một tương lai, thành phố sẽ có lớp người trẻ thấu hiểu nơi mình sinh sống để rồi gắn với trách nhiệm xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đầu Xuân mới, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội.
* Được biết, năm 2017, trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng với sự hợp tác của Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN) đã tổ chức biên soạn giáo trình "Hà Nội học" theo hướng tiếp cận mới phục vụ cho các chương trình đào tạo của nhà trường. Từ công trình này, cách tiếp cận về Hà Nội học được hiểu như thế nào, thưa bà?
- Trong quá trình tổ chức biên soạn giáo trình Hà Nội học (do GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô và tôi làm đồng chủ biên, cùng với các tác giả khác), chúng tôi đã xác định rằng: do vị trí hết sức đặc biệt của Hà Nội học trong nền học thuật nước nhà mà từ rất sớm đã xuất hiện khá nhiều các chuyên gia chuyên tâm nghiên cứu về Hà Nội theo các chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn cụ thể (tức là Hà Nội học truyền thống). Trong đó, 2 lĩnh vực thu được nhiều thành tựu lớn hơn cả là văn hóa và lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Bước sang thế kỷ 21, nhu cầu nghiên cứu Hà Nội theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành để xử lý hiệu quả những vấn đề mới đang đặt ra trong chiến lược phát triển bền vững Thủ đô đã trở nên bức thiết. Và Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến anh hùng, vì hòa bình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được xem như một cột mốc đánh dấu sự ra đời của một ngành Hà Nội học mới - Hà Nội học hiện đại.
Trên cơ sở kinh nghiệm và thành tựu của Hà Nội học truyền thống, Hà Nội học hiện đại đã thông qua phương pháp tiếp cận liên ngành gắn với khu vực học và khoa học phát triển, nhằm đạt tới nhận thức tổng hợp hơn và sâu sắc hơn về toàn bộ không gian lịch sử - văn hóa và con người Hà Nội.
Như vậy, có thể hiểu Hà Nội học là môn sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến những tri thức mọi mặt và nhận thức tổng hợp về con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên địa bàn hàng nghìn năm liên tục là trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa hàng đầu của Việt Nam, phục vụ cho các chiến lược phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.
* Có thể thấy, Hà Nội học ngày càng được quan tâm với vai trò một ngành khoa học gắn với sự phát triển của Thủ đô. Cho tới nay, đội ngũ các nhà nghiên cứu Hà Nội học đã trưởng thành ra sao, thưa bà?
- GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc từng đưa ra thống kê: Chương trình điều tra sưu tầm văn hiến Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2010 cho biết tính đến năm 2008 đã có 9.130 cuốn sách, bài báo và các kết quả nghiên cứu về Hà Nội được công bố gồm 5 lĩnh vực chủ yếu là lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, nhân vật (con người) và địa lý.
Nếu chia ra theo 3 giai đoạn gắn với lịch sử phát triển của Hà Nội thì giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 chỉ có 284 công trình, giai đoạn từ sau tháng 8 năm 1945 đến tháng 5 năm 1975 cũng chỉ có 370 công trình, nhưng giai đoạn từ sau tháng 5 năm 1975 cho đến 1 tháng 8 năm 2008 có đến 8.476 công trình.
Như thế, giai đoạn hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, số lượng các công trình nghiên cứu về Hà Nội đã gấp hơn 13 lần tất cả các giai đoạn trước cộng lại. Đó là chưa nói đến các công trình chuyên khảo có giá trị chuyên môn cao cũng chủ yếu được hoàn thành trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20 và thập kỷ đầu thế kỷ 21.
Trong khi đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu Hà Nội học có một lực lượng lớn với nhiều nhà khoa học tiêu biểu. Trước hết có thể kể tới GS Trần Quốc Vượng được biết là người đi tiên phong xây dựng ngành Hà Nội học. Hay nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người dành cả đời viết không ngừng nghỉ về Hà Nội, đóng góp nhiều công trình có giá trị về mọi mặt lịch sử, văn hóa và đời sống của Hà Nội. Ông cũng là người đầu tiên được vinh danh với Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Gần với chúng tôi, trong nhóm chuyên gia tham gia đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc cũng là một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho Hà Nội. Đặc biệt, ông là người lúc nào cũng đau đáu làm thế nào để đưa môn Hà Nội học vào trong các nhà trường. Cụ thể, chính GS Ngọc là người đưa ra những định hướng rất rõ cho nhóm tác giả chúng tôi khi viết giáo trình Hà Nội học.
Ngoài ra, những nhà khoa học như GS Phan Huy Lê, GS-TS Nguyễn Viết Thịnh, GS-TS Đỗ Thị Minh Đức, GS Lê Hồng Lý, GS-TS Phạm Hồng Tung, v.v… cùng với các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều có những hoạt động nghiên cứu gắn bó với Hà Nội.
* Rõ ràng, chúng ta đã có một thế hệ đông đảo các nhà nghiên cứu Hà Nội học, chưa kể rộng ra còn có nhiều con người khác có những đóng cho Hà Nội theo cách riêng của mình. Nên chăng, những thế hệ này, những con người này cũng cần trở thành một trong những nội dung giảng dạy môn Hà Nội học?
- Gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đến hiện tại, chúng ta có rất nhiều con người đóng góp cho Hà Nội. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng khác nhau cũng nên có nội dung giới thiệu về đóng góp của những con người cống hiến cho Hà Nội để thế hệ trẻ biết và tiếp cận.
Trước hết, có thể giới thiệu bằng những nội dung tác giả, tác phẩm để mang đến hình dung cụ thể về chân dung những con người đóng góp cho Hà Nội. Ở góc độ nghiên cứu, có thể giới thiệu những nhà nghiên cứu như GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc,… cùng với những công trình của họ đóng góp cho Hà Nội.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu, có thể giới thiệu về nhạc sĩ Văn Cao với những ca khúc bất hủ về Hà Nội như Tiến về Hà Nội, hay đạo diễn Đặng Nhật Minh với những bộ phim đặc sắc, giàu giá trị nhân văn về Hà Nội.
* Vậy theo bà, việc giới thiệu nội dung về những thế hệ cống hiến cho Hà Nội trong giảng dạy môn Hà Nội học như vậy có ý nghĩa gì?
- Việc giới thiệu chân dung những con người đóng góp cho Hà Nội, trước hết thể hiện tình yêu, sự trân trọng đối với những cống hiến của họ. Đối với thế hệ sau, điều đó còn khơi gợi niềm tự hào, sự noi gương và nuôi dưỡng trách nhiệm đóng góp cho Hà Nội như những thế hệ trước đã làm.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề nghiên cứu, giảng dạy về Hà Nội học bắt đầu được thành phố quan tâm nhiều hơn, thì việc giới thiệu những tấm gương đã có những đóng góp cho Hà Nội trở nên rất quan trọng. Nó không chỉ thúc đẩy bên trên mà còn thúc đẩy cả những thế hệ đang bắt đầu hoặc đang nghiên cứu về Hà Nội, có thêm động lực để gắn trách nhiệm của mình với sự phát triển của Thủ đô.
* Xin cảm ơn bà!
Tags