Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, Hội thảo Văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu do EUNIC (Mạng lưới các Viện Văn hóa Độc lập của châu Âu) tổ chức vừa diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội. Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề xung quanh thực tiễn vận động và xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở Việt Nam và châu Âu.
Hơn 10 năm trở lại đây, thị trường sách chứng kiến nhiều xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Việt Nam. Trước tiên, thị trường sách thiếu nhi đang có xu hướng mở rộng trên nhiều mặt. Từ số đầu sách được xuất bản đến số lượng các đơn vị tham gia làm sách thiếu nhi, cả ở khâu xuất bản và phát hành, đều tăng trưởng rõ rệt.
Ví dụ, ở Nhã Nam, tổng số đầu sách thiếu nhi năm 2010 là 124 đầu sách, tăng lên 924 đầu sách vào năm 2020, chiếm 36% tổng số đầu sách đang có mặt trên thị trường. Hoặc tại NXB Trẻ, hiện nay mảng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chiếm 40% doanh số.
Nhiều cây bút, nhưng thiếu tác giả chuyên nghiệp
Trong khi đó, đội ngũ viết cho thiếu nhi hiện nay không ít như nhiều người vẫn bi quan, thậm chí đội ngũ này ngày càng nhiều lên, chất lượng cũng ngày càng tốt với những sự quan tâm đầu tư nhất định. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên (Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng) cho biết đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi có phổ tuổi tương đối rộng, từ những tác giả thế hệ 5X, 6X, đến các tác giả thế hệ gen Z (sinh vào những năm 2000). Tuy nhiên, sung sức nhất vẫn là các tác giả thế hệ từ 7X đến 9X.
Mặt khác, các sáng tác mới dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện nay khá đa dạng, có từ những cây bút quen thuộc lẫn cây bút mới. Với các tác giả quen thuộc, có những tác phẩm giữ vị trí trong lòng bạn đọc, khi có tác phẩm mới vẫn luôn được bạn đọc đón nhận. Điển hình nhất là nhà văn có rất nhiều tác phẩm “ăn khách” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với những tác phẩm in mới có số lượng xuất bản lần đầu “khủng”, thường từ 100.000 - 150.000 bản. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm của những nhà văn quen thuộc khác như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Thuần, Lê Hữu Nam…
Đối với những tác giả mới, theo ông Nguyễn Thành Nam (Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên Tập NXB Trẻ): “Chúng tôi vẫn đầu tư cho đội ngũ này, để có tác phẩm mới phục vụ bạn đọc. NXB đồng hành để khơi gợi đề tài cho tác giả, làm nhiều cách khác nhau để sách đến tay bạn đọc. Để hỗ trợ hoặc phát hiện các cây bút mới, các đơn vị xuất bản có thể thực hiện thông qua các cuộc thi về sáng tác văn học thiếu nhi”.
Cụ thể, từ những năm 1990, NXB Trẻ đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước, tạo ra được đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi và vẫn tiếp tục sáng tác cho đến hiện tại. Từ ý thức cổ vũ các sáng tác trong nước, NXB Trẻ cũng đã tổ chức thành công bộ sách Tuyển truyện hay cho thiếu nhi, với nhiều cây bút khác nhau, mới có cũ có, như Trần Đồng Minh, Phạm Công Luận, Nguyễn Trí Công, Kim Hài, Nguyễn Thị Thanh Bình,…
Tuy nhiên, cũng theo một số đơn vị xuất bản và phát hành, mảng văn học thiếu nhi đang thiếu vắng các tác giả chuyên nghiệp trong nước. Theo bà Trần Lê Thùy Linh (Trưởng phòng thiếu nhi, Công ty Nhã Nam) thì các tác giả hiện tại đa số đều là tay ngang, với câu chuyện là các hồi ức tuổi thơ của một người lớn, hoặc một người lớn cố gắng truyền đạt một bài học nào đó cho thiếu nhi, hơn là một thế giới được tạo ra hoàn toàn cho thiếu nhi.
Bà Thùy Linh minh chứng: “Số lượng đầu sách thiếu nhi cho tác giả Việt Nam sáng tác ở Nhã Nam có lẽ phản ánh khá rõ xu hướng này. Chúng tôi vẫn cố gắng chọn lọc các tác giả trong nước để xuất bản, nhưng số lượng không nhiều. Gần đây chỉ có thể kể đến Bình Ca với Đi trốn, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với Đu đưa trên ngọn cây bàng, Huỳnh Mai Liên với tập thơ Biển là trẻ con…”.
Đồng quan điểm, bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ) cho rằng, văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề đáng quan tâm như khó khăn về đội ngũ sáng tác, hoặc thị trường bạn đọc buồn tẻ. Riêng về tác giả viết cho thiếu nhi, thường bằng nghề tay trái, hoạt động sáng tác thường mang tính chất manh mún, cũng chưa có bất cứ một chiến lược dài hơi nào viết cho thiếu nhi.
Từ những thực tế đó, bà Hoa Phượng cũng đề xuất việc xây dựng một hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi và xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi ở Việt Nam. Điều này cần sự tập hợp, bắt tay hợp tác giữa các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân, cũng như các tổ chức khác.
“Những cú hích lớn” cho văn học thiếu nhi
Kể từ năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, đến nay cho thấy một quá trình ứng xử của xã hội với việc đọc sách ngày càng được quan tâm. Theo TS Nguyễn Thụy Anh (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con) thì 10 năm trở lại đây, các động thái xã hội tích cực hướng đến văn hóa đọc đang phát triển, ngày càng có nhiều chuyển động tích cực.
Ví dụ, cùng với ngày 21/4, có rất nhiều các phong trào đọc sách diễn ra khắp nơi, từ nhà trường cho đến các đường phố, thôn bản. Trong khi thị trường xuất bản sách thiếu nhi cũng diễn ra rất sôi động. Không chỉ ở các nhà xuất bản chuyên về sách thiếu nhi, mà còn có sự tham gia của các công ty sách, công ty tư nhân với những đóng góp đáng kể cho sự mở rộng của thị trường sách thiếu nhi. Việc những đơn vị này dịch các tác phẩm nước ngoài hoặc tổ chức mời các tác giả Việt Nam viết sách cho thiếu nhi đều tạo nên những cú hích lớn cho văn học thiếu nhi.
Cũng theo TS Thụy Anh, sự chuyển động mạnh mẽ ở trong chính những người đọc cũng có những tác động đáng kể với văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Hiện nay các gia đình trẻ có con đi học thường rất quan tâm đến việc đọc sách của con em. Rất nhiều bố mẹ đưa con đến những câu lạc bộ đọc sách như CLB Đọc sách cùng con, CLB Sách ơi mở ra… hoặc nhiều CLB đọc sách khác. Từ đó, tạo nên những cộng đồng đọc sách bé nhỏ, nhưng chạm tới được từng đứa trẻ, giúp hình thành từ niềm say mê, thói quen đọc sách lâu dài đến xây dựng văn hóa đọc cho từng bạn nhỏ. Các cộng đồng đọc nhỏ cũng có thể từ chính bố mẹ, ông bà cùng đọc sách với các con hay cũng có thể là những cộng đồng đọc sách ở trong các lớp học, trường học.
“Khi các gia đình, các cộng đồng đọc và các nhà xuất bản cùng có ý thức giới thiệu và kết nối sách đến gần hơn với trẻ, sẽ khiến các em bắt đầu có động thái quan tâm hơn đến việc đọc sách. Để các em thấy đọc sách là cũng là một thú vui, là cách để vừa là giải tỏa cảm xúc, vừa để phát triển bản thân. Tất cả những động thái này quay trở lại kích cầu văn hóa đọc và mang lại niềm hứng khởi cho những người viết cho thiếu nhi” - Thụy Anh nói.
Một “cú hích” khác cho văn học thiếu nhi Việt Nam trong những năm qua phải kể đến các giải thưởng văn học, nghệ thuật vinh danh những sáng tác cho thiếu thi. Gần đây, nhiều giải thưởng sách uy tín đã có những hạng mục sách thiếu nhi. Hoặc với những giải thưởng mang tính chuyên môn, gần đây nhất tại giải thưởng Hội Nhà văn 2021, sau hơn 10 năm vắng bóng, hạng mục thiếu nhi đã trở lại để khuyến khích phong trào sáng tác văn học cho trẻ em. Cũng không thể không nhắc đến những giải thưởng độc lập dành cho những sáng tác văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi nổi bật. Trong đó, phải kể đến Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khởi xướng từ năm 2020.
Chia sẻ về giải thưởng tại Hội thảo, nhà báo Lê Xuân Thành (Trưởng BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn) cho biết: “Tính đến nay, giải thưởng đã tổ chức thành công 3 mùa giải. Cho dù nhiều lần bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng Dế Mèn vẫn về đích thành công và ngày càng lớn mạnh với lễ trao giải gần đây nhất (2022) được tổ chức như một cái Tết nghệ thuật cho thiếu nhi - Tết Dế Mèn. Toàn bộ kinh phí của giải thưởng vẫn do báo tự bỏ tiền ra từ nguồn thu xuất bản vốn ngày càng eo hẹp của mình”.
- 'Tìm kiếm những giá trị thật tinh thuần, thật đẹp đẽ cho thiếu nhi'
- Dư âm Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022: Trường học đáng yêu hay đáng ghét?
- 65 truyện ngắn và 65 bài thơ hay cho thiếu nhi chính thức ra mắt
Cũng theo nhà báo Lê Xuân Thành: “Giải thưởng Dế Mèn đã phần nào làm thay đổi nhận thức, trước hết của chính những người trong cuộc như chúng tôi, rằng nền văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi của nước nhà không hề thiếu vắng, kém cỏi như người ta vẫn nói”.
“Chỉ trong một mùa giải Dế Mèn gần đây nhất đã có hàng trăm tác phẩm dự giải hoặc được đề cử, trong đó có tới 11 tác phẩm xuất sắc lọt vào vòng chung khảo, mà vô cùng đáng tiếc chúng tôi không thể trao giải cho tất cả. 11 tác phẩm ấy, chúng tôi rất muốn nói với tất cả mọi người rằng, chúng thật đáng đọc, đáng xem, đáng nghe. Rõ ràng, những người sáng tác cho thiếu nhi vẫn âm thầm làm công việc của mình, và làm rất xuất sắc”.
Từ các giải thưởng như Dế Mèn, ở một chừng mực nào đó có thể động viên, khích lệ để các tác giả sáng tác cho thiếu nhi sẽ hào hứng hơn. Qua những giải thưởng như thế, chắc chắn sẽ tìm thấy những người chuyên nghiệp muốn dành toàn bộ cuộc sống, suy nghĩ và cảm xúc của mình hướng đến thiếu nhi.
Công Bắc
Tags