Xây dựng Nam Giang đậm đà bản sắc truyền thống

Thứ Năm, 22/05/2014 10:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Huyện miền núi Nam Giang của tỉnh Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cán bộ và nhân dân huyện Nam Giang vẫn quyết tâm thực hiện song song hai mục tiêu: Phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Để thấy được những nỗ lực của huyện Nam Giang trong những năm qua, Thethaovanhoa.vn đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Trưởng Ban quản lý Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu:

Sức vươn lên của Nam Giang

* Vơn 80% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số, có chung đường biên giới với nước bạn Lào, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nam Giang trong những năm qua đã diễn ra như thế nào, thưa bà?

- Việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nam Giang trong những năm qua, về cơ bản là ổn định, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2013, huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường sử dụng các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác. Sản lượng lương thực có hạt đạt 6.156,7 tấn. Huyện tập trung phát triển cây cao su đại điền, đến nay được 1.357 ha, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Về chăn nuôi, huyện duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm, công tác tiêm phòng được quan tâm.

Bà Phạm Thị Như (phải) tại Hội nghị tour du lịch phía Tây tỉnh Quảng Nam

Về văn hóa xã hội, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 59,17%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 20%; tỷ lệ giảm sinh 0,31%; củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và THCS. Cụ thể 10/12 xã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, 12/12 xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.Tổng số thôn văn hóa 48 thôn, công nhận mới 2 thôn. Số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia là 3 trạm.

Đối với việc thực hiện các chính sách dân tộc miền núi, thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, trong năm qua, UBND huyện đã hỗ trợ hơn 82 tấn muối cho 3.756 hộ/ 16.440 khẩu nghèo trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 340 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã hỗ trợ hơn một tỷ đồng bằng các hiện vật chủ yếu là cấp các loại nông sản, con giống theo yêu cầu của nhân dân địa phương; cấp bò, heo rừng giống cho các xã thực hiện kinh tế VAC với số tiền gần 500 triệu đồng. Công tác chăm sóc chính sách cho người có uy tín trên địa bàn cũng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức, kịp thời...

Khi đồng bào Cơ tu làm du lịch

* Đưa cộng đồng Cơ tu vào làm du lịch là một ý tưởng sáng tạo, mới mẻ và mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Bà có thể cho biết, mọi chuyện được bắt đầu ra sao?

- Người Cơ tu có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Trước đây, bà con còn bỡ ngỡ chưa biết làm du lịch như thế nào. Nhưng sau khi được hướng dẫn, được giao tiếp với các đoàn khách đến, bà con đã dần dần có kinh nghiệm.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu – Za Ra, một trong những địa điểm nằm trong Dự án du lịch cộng đồng của huyện Nam Giang

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của tổ chức FIDR, các nhóm sáng kiến được thành lập và từng bước đi vào hoạt động, có nhân viên điều hành dự án để kết nối thông tin, điều hòa khách đến với cộng đồng, từ đó, bà con ý thức được làm du lịch là phải giữ gìn nét văn hóa truyền thống của thôn mình (điệu múa tung tung za zá, ẩm thực, sản phẩm dệt thổ cẩm,…). Một điều quan trọng là cộng đồng cùng làm du lịch được san sẻ lợi ích, bà con đoàn kết hơn, có nhiều điều kiện sinh hoạt cộng đồng hơn, gần gũi nhau hơn.

* Dù Nam Giang  có nhiều thuận lợi nhưng chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn trong việc phát triển du lịch cộng đồng?

- Nam Giang còn rất nhiều khó khăn, tuy thu ngân sách có tăng song chưa đủ nguồn lực để đầu tư. Huyện rất muốn đầu tư đường lên Thác Grăng. Nhà gươil (nhà sinh hoạt cộng đồng) của nhiều thôn xuống cấp, khai thác sản phẩm du lịch vẫn không đủ kinh phí. Mặt khác, một số tuyến đường giao thông xuống cấp, hệ thống nước sinh hoạt chưa hoàn chỉnh, nơi cao không có nước, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa được đào tạo bài bản.

Bản sắc truyền thống là giá trị bền vững

* Dựa trên nền văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã có những biện pháp gì để khơi nguồn, phát triển du lịch bền vững?

- Huyện đã có đề án phát triển du lịch huyện Nam Giang đến năm 2020 đã được HĐND huyện phê duyệt. Trong khả năng của mình, huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà gươl, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ rừng phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, đầu tư du lịch làng nghề...

Cũng trong tháng 4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã tổ chức khảo sát các điểm du lịch và tổ chức hội nghị tour du lịch phía Tây tỉnh Quảng Nam, trong đó có huyện Nam Giang. Qua hai năm thực hiện, Dự án du lịch dựa vào cộng đồng (do tổ chức FIDR tài trợ tại Tà Bhing huyện Nam Giang, với sự nỗ lực của các ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị)… đã kết nối được nhiều du khách đến với cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân và quảng bá du lịch Nam Giang đối với du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một số điểm du lịch còn bỏ trống, không có người giữ gìn vệ sinh môi trường, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành trong các hoạt động của dự án… Để cải thiện điều này, huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin, cơ quan thường trực của dự án, có trách nhiệm phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng tham mưu cho UBND huyện trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của dự án ; đồng thời phối hợp với phòng Dự án FIDR quảng bá, kết nối các tour du lịch. Thường xuyên báo cáo cho Thường trực UBND huyện tình hình hoạt động của dự án, khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý.

* Vậy định hướng phát triển của huyện từ nay đến cuối năm 2014 sẽ được thực hiện  thế nào?

- Năm 2014 là nửa chặng cuối của kế hoạch 2011-2015, việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm nay có vai trò quyết định đến kết quả của kế hoạch. Trên cơ sở số giao đầu năm, các ngành, địa phương huy động nguồn lực để tập trung triển khai, cụ thể hóa các khâu đột phá của từng địa phương. Đồng thời cần tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,  xây dựng nông thôn mới, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch... Trước mắt cần bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch giao, kiểm tra các nguồn giống cây trồng, vật nuôi vụ sản xuất Đông Xuân 2014, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm….Bên cạnh đó, tăng cường công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, công tác dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự ATGT trước, trong và sau tết.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu lãnh đạo các ngành, địa phương tăng cường năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, gắn với thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Riêng với việc phát triển du lịch, từ nay đến cuối năm 2014, huyện sưu tầm các tư liệu quý về lưu giữ tại nhà văn hóa truyền thống. Đào tạo nguồn nhân lực; Khai thác những sản phẩm du lịch; Đầu tư vào làng nghề truyền thống…

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi. Chúc huyện Nam Giang phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đăng Khoa (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›