- Một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Nỗ lực phát huy sức mạnh nội sinh
- Hội nghị Văn hóa 2021: Khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân
- Hội nghị Văn hóa 2021: Xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước
Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã thông tin, sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam".
Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Theo Thủ tướng, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể. Thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm, dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 xác định “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.
Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng cho rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đại biểu dự hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian qua; kinh nghiệm của các nước; đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá.
Trong đó, đề xuất giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách; những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao; phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa…
Công nghiệp Văn hóa là ngành kinh tế quan trọng
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đã đạt được, theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn là do ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, bao gồm đa ngành, nhiều lĩnh vực có nội hàm rộng nhưng chưa được cụ thể hoá, do vậy gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý, do vậy chưa có giải pháp phát triển tổng thể.
Các ngành công nghiệp văn hóa là nhóm ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa đưa được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa đề cao xây dựng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền.
Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá.
Việt Nam có một thị trường nội địa tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, tuy nhiên đối tượng này chưa hình thành thói quen, ý thức trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá của Việt Nam một cách toàn vẹn, khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đầu tư tài chính cho văn hóa trong đó có công nghiệp văn hóa từng bước được nâng lên nhưng hiện tại còn thấp hơn so với nhu cầu.
Bộ VH,TT&DL đề xuất một số mục tiêu trọng tâm như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Thể thao và Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị!