Ngày 12/12, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị khoa học Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh.
Hội nghị nhằm cung cấp luận cứ khoa học - thực tiễn cho xây dựng tiêu chí đô thị và phân loại đô thị đặc thù, phù hợp đặc trưng, hình thái, chức năng đô thị dựa trên nền tảng giá trị văn hóa, sinh thái của tỉnh Ninh Bình; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa - lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Đây là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của mảnh đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Ông Phạm Quang Ngọc hy vọng, những vấn đề được đề cập, phân tích một cách tích cực tại hội nghị sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ tỉnh Ninh Bình. Qua đó từng bước xây dựng tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng nêu lên nhiều cơ sở để xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị di sản - du lịch và phong cảnh. Đó là: Tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên "độc nhất vô nhị"; di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền di sản văn hóa, lịch sử dân tộc; thành phố Ninh Bình và vùng phụ cận nằm trong vùng văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, kết nối với nhiều khu vực. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình còn nhiều khả năng cho việc kiến tạo một mô hình mới, khác lạ và đặc biệt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào hai nội dung chính: Trao đổi về luận cứ khoa học - thực tiễn cho xây dựng tiêu chí và phân loại đô thị đặc thù, phù hợp đặc trưng, hình thái, chức năng dựa trên nền tảng giá trị văn hóa và sinh thái của tỉnh; tập trung làm rõ về giá trị di sản Ninh Bình để làm cơ sở đánh giá, phân tích những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa - lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất cơ chế, chính sách có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy, phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhằm phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, địa phương cần có cơ chế chính sách đủ mạnh và phù hợp.
Đánh giá cao ý kiến, góp ý của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tiềm năng quan trọng của di sản cùng giá trị bền vững với thời gian; thông qua việc nhận thức về di sản để có cách thức nhận diện và ứng xử với di sản.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề xuất Bộ Xây dựng đổi mới về cách phân loại, định hình đô thị. Sau khi hình thành đô thị di sản, Ninh Bình mong muốn được hội nhập với mạng lưới đô thị di sản trong và ngoài nước, thúc đẩy kiến tạo các cơ chế đặc thù. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng khung phân tích về đô thị di sản và kế hoạch hành động.
Tags