(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân ngoại thành Hà Nội đã chủ động tham gia đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và rất nhiều công lao động, vật chất cụ thể… Tất cả những hoạt động tích cực đó đã thực sự trở thành nét đẹp lan tỏa tới nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng vào thành tựu chung.
- Liên hợp quốc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới: Kết quả khá toàn diện
- Tìm giải pháp Kiến trúc cho tuyến dân cư tôn nền vượt lũ và nông thôn mới Đồng bằng sông Cửu Long'
- Những 'điểm sáng' nông thôn mới: 33% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả
Chung sức và cùng hưởng lợi
Mục tiêu rõ ràng nhất của xây dựng nông thôn mới chính là tạo nền tảng tốt cho nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều địa phương đã huy động được sức mạnh từ cộng đồng dân cư chung sức xây dựng nông thôn mới và cùng thụ hưởng thành quả. Đây chính là yếu tố chủ đạo tạo sức thuyết phục cao khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động ở tất cả xã, huyện của Hà Nội...
Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc bổ sung, nâng cấp những công trình hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm mà còn "gieo mầm" việc nâng cao ý thức tự giác trong nếp sống của từng người dân, mỗi gia đình, thôn xóm. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Đến nay, 100% đám cưới ở La Thạch, thôn La Thạch (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày; hầu hết đám tang thực hiện nếp sống văn minh, như: Không ăn uống linh đình tốn kém, không dùng thuốc lá; đồng thời, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu (lăn đường, chống gậy...)... tạo chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa nông thôn.
Cùng với sự hỗ trợ của huyện và thành phố, cơ sở hạ tầng ở thôn La Thạch ngày một khang trang: Đường giao thông thôn, xóm được trồng hoa hai bên, có biển chỉ dẫn; nhà đã được đánh số, văn minh, sạch đẹp hơn…
Tại thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn), nhờ kinh tế phát triển, bà con đã có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương nhiều hơn. Trưởng thôn Lê Đình Hà cho hay, vừa qua, thôn đã vận động nhân dân đóng góp được hơn 140 triệu đồng để xây dựng đường ngõ xóm. Đặc biệt, bà con xóm 2 và xóm 5 còn đóng tiền để xây dựng rãnh thoát nước thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư…
Ngoài ra, nhân dân tích cực tham gia các câu lạc bộ thể thao như: Câu lạc bộ bóng chuyền hơi; bóng cửa; cầu lông; các xóm đều có đội văn nghệ xung kích hoạt động rất sôi nổi, thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu vào dịp hội làng, ngày lễ kỷ niệm trong năm...
Thành công nhờ khơi dậy sức dân
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc tích cực của người dân trong xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ sự chỉ đạo sát sao của trung ương và thành phố. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã huy động được hơn 16.671 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 1.492 tỷ đồng do nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các quận trung tâm khu vực nội thành. Hiện nay, toàn bộ 12 quận thuộc TP Hà Nội đã có nhiều hình thức hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 187,2 tỷ đồng...
Những yếu tố tích cực đó đã đưa Hà Nội đạt kết quả tốt: Hiện có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 255 xã (chiếm 66,06% tổng số xã trên địa bàn thành phố) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, trong tháng 12-2017, TP Hà Nội tiếp tục chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và số xã đạt chuẩn sẽ tăng thêm. Đặc biệt, cùng với duy trì các tiêu chí đã đạt, các địa phương đều có lộ trình nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa, tinh thần được nhiều địa phương rất quan tâm. Tại các huyện đều huy động các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các hoạt động cụ thể như: "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên" (Đan Phượng); trồng cây xanh và đường hoa (Phú Xuyên); đặt các thùng thu gom rác thải trong khu dân cư và khu sản xuất (Mê Linh)...
Tất cả những hoạt động tích cực trong xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành nét đẹp đang lan tỏa tới nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, tạo tiền đề thuận lợi để các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nguyễn Mai
Tags