Việc thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe từ đầu năm 2025 tới nay đã cho thấy những kết quả tích cực trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Theo các chuyên gia, những kết quả bước đầu của Nghị định 168 là cơ sở quan trọng tạo ra những chuyển biến cần thiết, góp phần xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay.
Những "con số" khả quan
Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều hành vi bị tăng nặng mức xử phạt đã có tác động toàn diện đến ý thức và hành vi của người tham gia giao thông. Minh chứng là chỉ sau khoảng 2 tuần đầu tiên triển khai nghị định này, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã thu về những "con số" khả quan.
Cụ thể, theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trong nửa tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 14/1/2025), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 22.786 trường hợp (-11,54%).
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn 36.055 trường hợp; 2.888 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; 37.337 trường hợp vi phạm tốc độ; 339 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; 3.279 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông;…
Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông cũng đã có chuyển biến rõ rệt. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%), so với trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).
Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận những "con số" cải thiện đáng kể cho thấy những tác động tích cực của Nghị định 168 đối với tình hình trật tự, an toàn giao thông.
Ví như tại Hà Nội, theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, toàn thành phố xảy ra 48 vụ, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2024; lực lượng CSGT thành phố Hà Nội đã xử lý 12.267 trường hợp, phạt tiền trên 30,5 tỷ đồng; tạm giữ 3.525 phương tiện, tước 609 giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe 1.261 trường hợp...
Trong khi đó, theo Phòng CSGT, Công an TP.HCM sau 15 ngày thực hiện Nghị định 168, toàn thành phố đã xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 16 người, so với thời gian liền kề giảm 42 vụ (-58%), giảm 1 người chết (-7%), giảm 40 người bị thương (-71%).
Chưa kể tới, trên khắp các mặt báo, mạng xã hội trong thời gian đầu triển khai Nghị định 168 cũng xuất hiện hàng loạt lượt chia sẻ hình ảnh, bàn luận sôi nổi về những cảnh tượng giao thông "lạ" tại các thành phố lớn. Nổi bật phải kể tới, hình ảnh người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông, dừng đúng vị trí vạch bộ hành kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát...
Tạo chuyển biến tích cực
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuấn (giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công) cho rằng, sự ra đời của Nghị định 168 là cần thiết cũng như tương đối kịp thời trong điều kiện, tình hình giao thông phức tạp như hiện nay.
"Đảm bảo an toàn giao thông là một hoạt động rất quan trọng, có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế, Nghị định 168 ra đời đã góp phần điều tiết, điều chỉnh được hoạt động giao thông của toàn xã hội, có bước đầu hết sức hữu hiệu" - ông Tuấn bày tỏ - "Ở chỗ, chúng ta thấy với phạm vi điều chỉnh của nghị định này, các hoạt động giao thông trở nên có trật tự hơn. Và, rõ ràng khi có trật tự hơn thì tính chất an toàn của hoạt động giao thông cũng sẽ được phát huy cao hơn".
Cũng theo chuyên gia này, nội dung của Nghị định 168 với quy định tăng nặng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm có vai trò điều chỉnh rất lớn đối với hoạt động của người tham gia giao thông. Theo đó, sự khác biệt dễ thấy với thời điểm trước khi nghị định này được triển khai đó là, ý thức chấp hành luật giao thông được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ. Ở mọi lúc, mọi nơi, người tham gia giao thông cũng luôn cố gắng để chấp hành đầy đủ quy định.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) nhấn mạnh, Nghị định 168 đã có tác động rất tích cực đối với việc điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông.
"Trước đây, mức độ vi phạm của người tham gia giao thông rất nhiều. Nhưng từ khi triển khai Nghị định 168 chỉ khoảng hơn 2 tuần, vi phạm giao thông đã giảm rõ rệt. Người tham gia giao thông hiện nay cũng điều khiển phương tiện rất nề nếp, theo trật tự" - TS Tạo phân tích - "Nghị định 168 là một "liều thuốc" kịp thời để trị căn bệnh mất trật tự, an toàn của hoạt động giao thông bấy lâu. Từ nghị định này, trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn chắc chắn sẽ được lập lại. Và, có những kết quả tích cực như tai nạn giao thông sẽ giảm sâu, ý thức của người tham gia giao thông cũng được nâng lên tốt hơn…".
Nhận thức được hành vi vi phạm giao thông là xấu
Từ những chuyển biến tích cực của hoạt động giao thông gần đây, các chuyên gia đều cho rằng, việc triển khai Nghị định 168 như là một bước khởi đầu cần thiết để xây dựng văn hóa giao thông phát triển một cách toàn diện và bền vững.
Như lời TS Khương Kim Tạo: "Muốn có văn hóa giao thông, trước hết chúng ta cần người tham gia giao thông phải tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật là cái nền, là vấn đề cơ bản để chúng ta xây dựng văn hóa giao thông. Khi người tham gia giao thông tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật như một phản xạ, đó cũng là lúc văn hóa giao thông được hình thành".
"Phải làm sao để người tham gia giao thông cảm thấy rằng bản thân họ không được vi phạm, nhận thức được hành vi vi phạm giao thông là hành vi xấu, gây nguy hiểm cho chính mình và người xung quanh" - ông Tạo dẫn chứng - "Giống như việc chúng ta đã xây dựng được văn hóa đội mũ bảo hiểm. Ra đường đi mô tô, xe gắn máy không có mũ bảo hiểm trên đầu, chúng ta cảm thấy trống vắng, thiếu hụt… Và như vậy, chúng ta tự ý thức và tạo thói quen phải đội mũ bảo hiểm trước khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy".
Cũng theo ông Tạo, việc triển khai Nghị định 168 với những quy định chặt chẽ, nghiêm minh hơn sẽ giúp người tham gia giao thông cảm thấy có lỗi khi cố tình vi phạm các lỗi theo quy định. Như vậy, "khi nào hình thành được cảm giác cho từng người tham gia giao thông như thế, có nghĩa là chúng ta đã xây dựng được văn hóa giao thông một cách cơ bản".
Ở góc nhìn rộng hơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm với nhiều biện pháp khác nhau được áp dụng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu của những hành vi nguy hiểm, gây tai nạn giao thông. Trong đó, một biện pháp quan trọng được xác định đó chính là xây dựng văn hóa giao thông.
Và, để xây dựng được văn hóa giao thông cần bắt đầu từ việc phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như Nghị định 168 được triển khai có hiệu quả thời gian qua là một ví dụ.
"Khi người tham gia giao thông tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật như một phản xạ, đó cũng là lúc văn hóa giao thông được hình thành" - TS Khương Kim Tạo.
(Còn tiếp)
Tags