Xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội (Bài 1): Chưa 'bén rễ' sâu trong thực tiễn

Thứ Bảy, 28/04/2018 12:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ hiện nay, từ nhiều năm trước, việc xây dựng văn hóa người Hà Nội đã được đặt ra với sự kỳ vọng của cả hệ thống chính trị Thủ đô, song dường như chuyển biến trong ý thức của người dân về ứng xử văn minh, thanh lịch chưa nhiều. Giải pháp đang được thành phố Hà Nội tính đến là lấp các điểm trũng để khơi thông, bồi đắp dòng chảy văn hóa nghìn năm của vùng đất Thăng Long này. Đề cập toàn diện về vấn đề, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết, trân trọng giới thiệu:

Trong bối cảnh đạo đức xã hội nói chung và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề thì chương trình xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh càng có ý nghĩa trong việc bồi đắp, định hình lại các giá trị văn hóa đang dần bị mai một. Tuy vậy, sau nhiều năm triển khai với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, thậm chí ở nhiều nơi còn thực hiện mang tính hình thức.

Nền tảng xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội

Người Hà Nội vốn tự hào về văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch mang dấu ấn của đất kinh kỳ xưa, thậm chí truyền thống này được coi là di sản nhân văn cần được gìn giữ. Ngày nay, dù chốn phồn hoa đô hội này đang từng ngày thay đổi nhưng lãnh đạo thành phố vẫn đặt niềm tin: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của cả nước theo hướng hiện đại trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến. Trong đó, văn hóa ứng xử được đặc biệt coi trọng vì đó chính là giá trị tinh thần cốt lõi tạo nên bản sắc riêng của người Tràng An xưa và Hà Nội hiện nay.

Chú thích ảnh
Ứng xử, giao tiếp với người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Phúc Thọ. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Nằm trong chương trình do Thành ủy Hà Nội ban hành, Chương trình 04-Ctr/TU ngày 26/4/2016 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, vấn đề xây dựng văn hóa người Hà Nội, trọng tâm là văn hóa ứng xử nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp lãnh đạo Hà Nội và đông đảo người dân. Việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đầu năm 2017 chính là cơ sở để từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô.

Ý nghĩa của hai Bộ Quy tắc ứng xử được đo đếm bằng sự đón đợi, ủng hộ nhiệt tình của đại bộ phận người dân Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đánh giá, lần đầu tiên Hà Nội đưa ra Quy tắc ứng xử được người dân đồng thuận cao, vì vậy cần tập trung triển khai để bộ Quy tắc ứng xử gắn bó với người dân.

Hồ hởi, kỳ vọng là những ghi nhận ban đầu khi một số cơ quan, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử ngay sau khi thành phố ban hành. Không khí đó được lan tỏa sang nhiều sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện trên địa bàn. Đi đầu trong thực hiện Quy tắc ứng xử là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cơ quan này đã in 30 nghìn sổ tay Quy tắc ứng xử chuyển tới toàn bộ các cơ quan của thành phố, các quận, huyện, thị xã để triển khai tới cán bộ, công chức, nhân dân. Quận Ba Đình yêu cầu niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại trụ sở UBND quận và 14 phường. Quận Bắc Từ Liêm tổ chức cho 100% phòng, ban, đơn vị ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử, in 1.200 quyển Quy tắc và 25 nghìn tờ rơi tuyên truyền Quy tắc ứng xử công cộng phát cho các hộ dân...

Chú thích ảnh
Người dân khu dân cư số 4 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nghiên cứu Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Hình thức hóa một chương trình giàu tính văn hóa

Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau hơn một năm triển khai hai Bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống có thể khẳng định rằng, ý thức của cán bộ, công chức và người dân đã có chuyển biến. Song, sự chuyển biến này chưa nhiều, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí nhiều nơi còn thực hiện một cách hình thức. Một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa thay đổi thói quen, lề lối làm việc, chưa thực hiện nghiêm túc nội dung Quy tắc ứng xử, đặc biệt là trong giao tiếp ứng xử với người dân. Tại nhiều thôn, làng, tổ dân phố, nơi công cộng chưa lắp đặt biển niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng, công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhìn nhận, vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa chuyển biến tích cực, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa vẫn tiếp diễn… Điều quan trọng, phong cách ứng xử của người Hà Nội chưa tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành phố khác.

Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức, làm “nóng” dư luận thời gian qua. Điển hình, vụ việc ứng xử không đúng mực của Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân với người dân khi họ phản ứng về việc đỗ xe sai quy định tại phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) hay sự vô cảm của cán bộ bộ phận "một cửa" của UBND phường Văn Miếu khi người dân đến làm giấy khai tử… Gần đây nhất, đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra bộ phận "một cửa" tại một số xã, phường, phát hiện nhiều trường hợp cán bộ có hành vi ứng xử chưa đúng mực với người dân đến làm thủ tục hành chính. Cụ thể như tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức), xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy)... và Chủ tịch UBND các xã, phường này đã phải thừa nhận, cán bộ bộ phận "một cửa" chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa ứng xử với người dân, đồng thời khẳng định sẽ xử lý kịp thời những vi phạm.

Dù Hà Nội đang rốt ráo triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử, các nhà quản lý, cán bộ, công chức, nhân dân đều ủng hộ nhưng để tạo chuyển biến trong toàn xã hội vẫn là điều nan giải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?.

(Bài 2: Điểm trũng cần được lấp đầy)

Đinh Thuận/TTXVN

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh  - Chú trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Chú trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng

Với truyền thống văn hiến nghìn năm và cũng là nơi tiếp nhận văn hóa bốn phương hội tụ, văn hóa Hà Nội ngày nay vừa có sự kế thừa, vừa có sự tiếp biến các nền văn hóa khác nhau...

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›