Xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội (Bài 4): Điều chỉnh hành vi, hình thành chuẩn mực văn hóa

Thứ Ba, 01/05/2018 09:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhiều giải pháp đưa ra nhằm thực hiện hiệu quả hai Bộ Quy tắc ứng xử, lần đầu tiên thành phố Hà Nội bàn bạc đến việc áp dụng biện pháp “cứng” nhằm tăng tính răn đe nhưng đồng thời vẫn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động.Thực hiện hài hòa hai giải pháp này sẽ góp phần điều chỉnh văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô theo hướng tích cực.

Đổi mới công tác tuyên truyền

Thời gian qua, việc đưa hai Bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống vẫn chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, vận động, đây cũng được coi là nhiệm vụ cốt lõi của chương trình. Tuy nhiên, sau những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CT/TU nhận thấy, cần đổi mới trong công tác tuyên truyền. Dù từng cấp, ngành, đoàn thể đã có những chương trình hoạt động nhưng để công tác tuyên truyền đi vào thực chất buộc Hà Nội phải thay đổi cách thức cho phù hợp với thực tiễn.

Chú thích ảnh
Truyền thống mặc áo dài của người Hà Nội có từ bao đời là nét văn hóa nổi bật được cả thế giới biết đến

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác tuyên truyền rất quan trọng trong quá trình triển khai các Bộ Quy tắc ứng xử song cũng cần đánh giá lại xem có phù hợp hay không? Ý kiến này được đưa ra khi thời gian qua có không ít trường hợp liên quan đến văn hóa ứng xử bị dư luận lên án.

Trước đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương tuyên truyền với nội dung gắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, hình thức phong phú như: Tuyên truyền qua các hội nghị, cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, sinh hoạt chuyên đề… Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành phố xác định công tác tuyên truyền phải gắn với những đối tượng cụ thể cùng nội dung phù hợp. Quan điểm của thành phố Hà Nội, mọi hội viên, đoàn viên và người dân đều được tiếp cận với Bộ Quy tắc ứng xử. Các đơn vị, đoàn thể sẽ thống nhất để phân chia địa bàn, đối tượng sau đó tập trung tuyên truyền, vận động tích cực hơn…

Theo ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cần tiếp cận và tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử. Bởi trước đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử cũng bắt nguồn từ mạng xã hội, lan tỏa ra công chúng. Về lâu dài cần quan tâm đầu tư từ gốc, có nghĩa là tuyên truyền, giáo dục cho học sinh trong các trường học để các em hình thành văn hóa ứng xử văn minh ngay từ khi còn nhỏ.

Thí điểm chế tài xử lý

Chỉ ra nguyên nhân cơ bản hai Bộ Quy tắc ứng xử chưa đi vào cuộc sống do chưa có chế tài xử lý nghiêm, nhiều nhà quản lý cho rằng Hà Nội cần có chế tài xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tại các bộ Quy tắc ứng xử có đề cập đến vấn đề kỷ luật cụ thể, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Quy tắc ứng xử, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (Quy tắc ứng xử nơi công cộng) hoặc trong các cơ quan, đơn vị (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức). Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định. Tuy vậy, với trường hợp vi phạm Quy tắc ứng xử nơi công cộng dường như chưa xử lý được nhiều bởi thiếu người kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý.

Ông  Lê Văn Luân - Bí thư Quận ủy Cầu Giấy bày tỏ, khi thực hiện Quy tắc ứng xử cũng cần có cơ chế trong vấn đề xử phạt. Ông lấy ví dụ, khi người dân vứt rác ra đường hoặc tiểu tiện không đúng chỗ, nếu lực lượng chức năng phát hiện, việc xử lý cũng rất khó. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, xử lý còn thiếu.

Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: Vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình 04 - CTr/TU giao Sở Nội vụ dự thảo bộ chế tài xử lý các vi phạm trong thực hiện văn hóa ứng xử, bước đầu Sở đưa ra 114 tình huống vi phạm trong cơ quan đơn vị và 7 hình thức xử lý, từ nhắc nhở đến buộc thôi việc đối với công chức, viên chức. Tuy vậy, Hà Nội không có thẩm quyền ban hành hệ thống chế tài xử lý mà thẩm quyền ban hành hệ thống chế tài thuộc Ban Bí thư Trung ương và Chính phủ. Ông Trần Huy Sáng đề xuất, trong quá trình xây dựng thí điểm và lấy ý kiến cơ quan liên quan, thành phố kiến nghị với Trung ương phân cấp cho Hà Nội thẩm quyền ban hành hoặc có thể kiến nghị với Trung ương giao Hà Nội thí điểm thực hiện chế tài xử lý. Khi đó, Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong văn hóa ứng xử.

Thành phố Hà Nội kêu đang gọi mỗi người dân tự giác chấp hành Quy tắc ứng xử, có trách nhiệm nhắc nhở những hành vi sai phạm để cùng nhau thực hiện ứng xử nơi công cộng, trong cộng đồng dân cư. Nếu có sự vào cuộc của tất cả người dân, thành phố sẽ trở thành thành phố thanh lịch, văn minh.

Xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là Hà Nội phải gương mẫu đi đầu cả nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, người Hà Nội phải sống có văn hóa, nhân văn, nhân ái, thượng tôn pháp luật. Vì vậy, thành phố phải coi trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để xứng đáng với truyền thống của vùng đất văn hiến nghìn năm.

Hết

Đinh Thuận/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›