Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho xuất khẩu thịt lợn

Thứ Hai, 25/12/2017 15:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm qua, các tỉnh Nam Định và Thái Bình đã giảm rõ rệt các dịch bệnh trên đàn lợn song mục tiêu xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa đạt yêu cầu đề ra.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình” (gọi tắt là Đề án 441) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/12 tại thành phố Nam Định.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đề án 441 được thực hiện tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Trong thời gian từ năm 2015 - 2020, các địa phương này tập trung xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là: lở mồm long móng và dịch tả lợn. Tuy nhiên, đến tháng 12/2017 Thái Bình chưa có xã nào được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn. Nam Định mới chỉ có 1/209 xã có chăn nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn (chiếm tỷ lệ 0,5%). Hiện cả 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định đều chưa xây dựng xong vùng an toàn dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình và Nam Định cho biết, thực hiện Đề án 441, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tình trạng chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, do đó nguy cơ phát sinh các dịch bệnh cao. Dự toán kinh phí triển khai Đề án tại Nam Định và Thái Bình là rất lớn, trong khi chưa có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc thực hiện các nội dung của Đề án này gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Vũ Văn Tám đề nghị, UBND các tỉnh Thái Bình, Nam Định tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và UBND các huyện, cấp xã xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và lưu thông trong nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí thực hiện hiệu quả Đề án 441. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu phối hợp với việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi chủ động đăng ký, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; liên kết với các đối tác trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chăn nuôi...

Tính đến cuối năm 2017, Thái Bình có trên 1 triệu con lợn, 546 trang trại chăn nuôi lợn; trong đó, có 33 trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Nam Định có gần 780.000 con lợn, 30 trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn.

100% mẫu thịt lợn, gà, vịt từ các chợ kém vệ sinh nhiễm khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép

100% mẫu thịt lợn, gà, vịt từ các chợ kém vệ sinh nhiễm khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép

150 mẫu thịt gồm thịt lợn, gà, vịt được lấy ở 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đều nhiễm khuẩn E.coli (một loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy).

Vũ Văn Đạt

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›