Xây 'Văn Miếu' tại Vĩnh Phúc: Đừng bỏ quên 'hồn cốt Việt'

Thứ Ba, 09/06/2015 05:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm "Văn Miếu Vĩnh Phúc" sắp được hoàn thành, việc đặt ra yêu cầu khai thác công trình này một cách hợp lý, khoa học là điều thiết thực nhất - nếu nhìn vào số kinh phí đã được đầu tư vào đây trong 3 năm qua.

Có tên gọi "Công viên văn hóa Văn Miếu", cụm công trình này được Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng năm 2010 tại Gò Cháo (thành phố Vĩnh Yên) với kinh phí gần  271 tỷ đồng, dựa trên những tư liệu về một Văn Miếu từng tồn tại ở địa điểm này 300 năm trước.

Người Việt xưa đã chủ động “tự vệ”

Trong những ý kiến trái chiều về công trình này, các cụm từ "miếu thờ Khổng Tử" hoặc "Văn Miếu thờ Khổng Tử" đã được sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, bản thân cách gọi như vậy không thể hiện đúng và đủ giá trị của khái niệm Văn Miếu tại VN – đặc biệt là ở những sáng tạo mà chúng ta đưa vào đây trong lịch sử.

"Tại Trung Quốc, Văn Miếu thờ Khổng Tử và được nhìn như một biểu tượng của Nho học. Thế nhưng, việc đưa Văn Miếu và Nho học về VN lại là một câu chuyện đặc biệt của lịch sử" – nhà sử học Dương Trung Quốc nói. Theo phân tích của ông, khi đặt trong bối cảnh luôn phải chống trả với sức ép từ Trung Hoa, một nước sở hữu nền văn minh lớn, người Việt xưa đã chủ động học từ họ những yếu tố cần thiết để tự vệ.


Một góc "Công viên Văn hóa Văn Miếu" mới xây ở Vĩnh Phúc

"Xét cho cùng, chúng ta mang Khổng Tử về lập Văn Miếu, rồi áp dụng hình thức Nho học cử tử cũng là để tuyển chọn người tài giữ nước, để xây dựng chế độ trung ương tập quyền ổn định nhằm chống thù trong giặc ngoài" – ông Quốc nói - "Thực tế chứng minh rằng sự áp dụng ấy rất hiệu quả và  là một trong những yếu tố giúp VN có được sự tự chủ văn hóa trong cả ngàn năm qua."

Ngoài ra, theo GS Trần Ngọc Vương (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ việc xây dựng đội ngũ nho học làm rường cột quốc gia, Văn Miếu – Quốc Tử Giám khi được xây dựng vào năm 1070 ở Thăng Long xưa không hướng tới việc dùng làm tế lễ thờ tự, nghĩa là phương diện tôn giáo rất mờ nhạt. "Trước hết, đó là định hướng để quản lý quốc gia, chứ không chỉ nhằm tôn vinh một con người – dù người đó từ lâu đã được lượng tín đồ khổng lồ của nước láng giềng coi là bậc đại thánh" - GS Vương cho biết.

Văn Miếu – biểu tượng đạo học của người Việt

Theo phân tích của các chuyên gia, khi xuất hiện tại Việt  Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có sự thay đổi lớn và không còn "đồng dạng" với Văn Miếu tại Trung Quốc – nơi đặt linh vị và tượng thờ của Khổng Tử tại vị trí trang trọng nhất trong chính điện. Thậm chí, GS Trần Ngọc Vương cho rằng sự thay đổi này nhiều khả năng diễn ra ngay từ khi Văn Miếu VN đầu tiên được xây dựng (1070). Các sử liệu cũ cho thấy một miếu thờ riêng cho Khổng Tử được xây tại đây, với quy mô rất vừa phải nên 15 năm sau đã phải tu sửa lại (và hiện nay không còn dấu tích).

Đặc biệt, theo GS sử học Lê Văn Lan, từ năm 1370, khi danh nhân Chu Văn An qua đời, vua Trần đã có lệnh đưa bài vị của nhà nho nổi tiếng này vào phối thờ tại Văn Miếu. "Nhìn theo lịch sử, các triều đại đã "bình chọn" để đưa bài vị của nhiều bậc cự nho nước nhà vào tòng tự" – GS Trần Ngọc Vương nói thêm - "Đời Trần, có thời điểm đã đưa bài vị của Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Đỗ Tử Bình cùng danh tính một số người từng đỗ thái học sinh vào đó."

Năm 2003, Hà Nội đưa tượng Chu Văn An cùng ba vị vua có công lớn trong việc mở mang Văn Miếu và đạo học trong lịch sử là Lý Thánh Tông,  Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông vào đây. Có nghĩa, nhìn rộng hơn, theo chiều dài lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một biểu tượng của đạo học Việt Nam.

Điển hình, ngoài 82 bia đá tiến sĩ "thuần Việt" tại Văn Miếu Quốc Tử Giám,các điểm Văn Miếu còn lại ở VN như Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương); Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên); Văn Miếu Bắc Ninh; Văn Miếu Huế; Văn Miếu Diên Khánh (Khánh Hòa); Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai); Văn Thánh Miếu Vĩnh Long; Văn Thánh Miếu Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện vẫn thờ nhiều danh nhân nước Việt và lưu giữ nhiều văn bia tôn vinh những người thành danh khoa cử.

Với nhiều kiến trúc cơ bản như cầu đá, Nghi môn, nhà che bia, hồ Thiền Quang, sân hành lễ..., khu "Công viên Văn Miếu" tại Vĩnh Phúc còn dự kiến xây dựng hệ thống bia đá tôn vinh 99 bậc đại khoa, trung khoa của địa phương này trong lịch sử. Nhưng, với số kinh phí gần 271 tỷ đồng từ ngân sách, rất nhiều người trông đợi địa điểm này sẽ trở thành nơi tôn vinh đạo học Việt Nam (chứ không chỉ đơn thuần là Nho giáo) đồng thời  tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa, khoa học chất lượng như trường hợp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội.

Đó mới là cái "hồn cốt Việt" cần lưu giữ và vượt xa hơn rất nhiều so với khuôn mẫu của một kiến trúc Văn Miếu được đưa vào VN cách đây cả ngàn năm.

Mỹ Mỹ - Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›