(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện “cấm xe máy” một lần nữa lại đốt nóng dư luận – cho dù những tranh cãi quanh vấn đề này vẫn liên tục được nâng lên, đặt xuống trong nhiều năm trở lại đây.
- Chuyên gia Nhật Bản lên tiếng về đề án 'cấm xe máy'
- Cấm xe máy đi quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên
- Cấm xe máy và cấm chợ cóc
Thậm chí, tên gọi cuộc hội thảo cũng là minh chứng để PGS này nhận định rằng chúng ta vẫn còn quá bị chi phối từ cách tư duy này. Bởi theo ông, thay vì nhắc tới khái niệm “cấm”, khái niệm “kiểm soát xe” đang được đưa ra một cách khá… rón rén và vòng quanh.
Xe máy "bủa vây" các phương tiện khác. Ảnh: Internet
Để rồi, thực tế cho thấy: sự “rụt rè” ấy là có lý – khi rất nhiều phản ứng đã được dư luận đưa ra sau ý kiến của PGS Mai. Trong đó, bên cạnh những phân tích về tính khó khả thi, có chuyên gia còn khẳng định: ý kiến của PGS Mai là… xúc phạm tới những người dân đang sử dụng xe máy.
***
Ai cũng hiểu, trong hàng chục năm qua, xe máy là phương tiện gắn chặt với công việc và đại đa số người dân như chúng ta. Nhưng, ai cũng hiểu, xe máy đồng thời cũng là thủ phạm chính gây nên cảnh hỗn loạn, ùn tắc giao thông - đặc biệt là ở những đô thị đang phát triển nóng và có dấu hiệu quá tải về hạ tầng.
Nghĩa là, bao năm qua, câu chuyện ấy vẫn đang luẩn quẩn ở bài toán con gà - quả trứng. Bởi, để việc cấm xe máy là khả thi, rõ ràng cộng đồng phải được tạo cơ hội để sử dụng những phương tiện giao thông khác phù hợp với mình.
Phương tiện thay thế ấy không đơn thuần là… xe hơi, như liên tưởng gần gũi nhất của những người có điều kiện về kinh tế. (Quả thật, chiếu theo cách nghĩ này, câu chuyện “xúc phạm người nghèo” ít nhiều cũng có cơ sở).
Chắc chắn, đó phải là một hệ thống phương tiện giao thông công cộng, với những xe bus, tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất… “phủ sóng” rộng rãi tới mọi ngóc ngách của đô thị. Để khi ấy, dù là xe máy hay ô tô, tất cả những loại xe cá nhân này đều… lùi bước và không được ưu tiên sử dụng trong thói quen của cộng đồng.
Thực tế, giải pháp ấy đã liên tục được các chuyên gia về giao thông nhắc tới trong vài năm qua. Nhưng, để các phương tiện giao thông cộng cộng thật sự phát huy hiệu quả trong đời sống, đó lại là một câu chuyện mà thẳng thắn, chúng ta chưa làm tốt.
Đó không chỉ là chuyện hạn chế xe máy để “nhường chỗ” cho phương tiện giao thông công cộng. Đó là chuyện về bãi gửi phương tiện cá nhân, lối đi bộ, vỉa hè thông thoáng… để tạo sự thuận lợi cho người dân tiếp cận với loại hình này. Là chuyện quy hoạch đô thị, để những bến xe bus hay tàu điện cũng là nơi tập trung các hoạt động văn hóa thương mại, từ đó thu hút nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và dần hạ giá thành về mức vé.
Có nghĩa, tìm giải pháp để mọi… người nghèo trong đô thị đều có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận lợi và tiết kiệm nhất mới là bài toán cần giải của chúng ta.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Tags