Xem “Bỗng dưng muốn khóc”, bỗng dưng muốn viết!

Thứ Sáu, 29/08/2008 10:12 GMT+7

Google News

(TT&VH) - TT&VH nhận được email của bạn Jidema ([email protected]) với nội dung như sau: Gửi BBT báo TT&VH, dưới đây là bài viết bình luận của tôi về bộ phim: Bỗng dưng muốn khóc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đang phát trên VTV1, sau khi đọc bài viết của tác giả Văn Bảy trên số báo ra ngày 28/8/2008 của quý báo.

Sau sự ra mắt không được thành công như mong mỏi của nhà đài gần đây với những phim trên giờ vàng truyền hình như “Vòng nguyệt quế” hay “Hành trình bí ẩn”, thì “Bỗng dưng muốn khóc” - kịch bản và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã phát sóng được vài tập trên VTV1, đang tạo sự chú ý nhất định cho khán giả xem truyền hình.
 
Một cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc

Không bàn về nội dung cụ thể của phim, vì đơn giản phim mới chỉ trình chiếu được vài tập. Ở đây người viết chỉ mạn bàn về “cảm tình” khi xem những tập đã phát.

Tiết tấu của thoại trong “Bỗng dưng muốn khóc” được đẩy lên khá nhanh, một điều ít gặp ở phim truyền hình bấy nay; cộng với những câu thoại “nhí nhảnh” bất ngờ… đã khiến cho khán giả thực sự thích thú. Hình ảnh với sự “quản lý” của hai nhà quay phim tên tuổi Nguyễn Tranh và Nguyễn Nam đã tạo nên sự khác biệt thật sự về chất lượng.

Ví dụ: ở tập 1, một cú máy dài theo nhân vật Trúc đi xe đạp từ ngoài đường vào trong ngõ, chui qua bức tường để vào trong sân ngôi nhà của mình, thật sự là một cú máy “ngọt ngào” ít gặp… Hay đoạn quay ngoại đêm cảnh hai tên trộm thì sự chiếu sáng trong phim cũng đã khiến cho người xem ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì sao? Vì lâu nay, không nói tất cả, nhưng thường khi xem phim truyền hình trong nước một là khán giả được xem ánh sáng kiểu “tắt đèn” hai là kiểu “đêm giữa ban ngày”…
 
Tính cách các nhân vật được khắc họa rõ ràng chỉ mới qua một vài tập. Điều này chưa quan trọng – đúng - vì quan trọng hơn là những tính cách đó có thuyết phục được người xem không; có gây hứng thú cho người xem không? Thì, Vũ Ngọc Đãng đã làm được, ít nhất là bằng với những tập phim đã chiếu… Tăng Thanh Hà thật sự khiến người ta phải để ý với khả năng diễn xuất của mình. Một sự tăng tiến rõ rệt trong nghề diễn, so với những phim cô từng tham ra như “Dốc tình” hay “Hương phù sa”. Lương Mạnh Hải cũng vậy, cùng một đạo diễn nhưng khác với trong “Tuyết miền nhiệt đới”, trong phim này vẻ bề ngoài và tính cách của anh đã khiến cho người xem phải liên tưởng đến tài tử Hàn Quốc Bae Yong Joon người không xa lạ gì với truyền hình nước nhà qua các phim “Mối tình đầu” hay “Bản tình ca mùa đông”…

Thay cho lời cuối: Xin viết lại một câu nói của một khán giả bình thường khi xem phim này đã phát biểu xanh rờn “lâu lắm rồi, xem phim truyền hình Việt mà tớ không đoán được diễn biến tiếp theo”. Không hẳn là một lời khen, nhưng nó cũng là một câu nói ít gặp khi khán giả bình luận về một phim Việt đang chiếu trên truyền hình.

Jidema (p[email protected])

 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›