(Thethaovanhoa.vn) - Tối 15/7, cơn mưa dai dẳng từ chiều khiến Sân khấu Sen Hồng (Quận 1, TP.HCM) vắng hơn thường lệ, nhưng vở hát bội Dũng khí Đặng Đại Độ (kịch bản: NSND Đinh Bằng Phi, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hoàn) của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đã thực sự thu hút được số ít khán giả có mặt (điều không dễ ở thời đại của ca nhạc, phim ảnh hiện nay).
Năm 1998, kịch bản này từng được dàn dựng nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM và lần này trở lại đúng dịp TP.HCM kỷ niệm 40 năm được chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (1976 - 2016).Có thể nói Dũng khí Đặng Đại Độ là một kịch bản “kể chuyện điển hình” khi tái hiện gần như trọn vẹn câu chuyện nổi tiếng nhất về Lãnh Đức Hầu Đặng Đại Độ (1728 - 1765), vị danh thần dưới thời Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, đã được ghi lại trong Đại Nam liệt truyện (Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn).
Trong thời gian nhậm chức Ký lục Trấn Biên (vùng Biên Hòa - Đồng Nai), Đặng Đại Độ đã hết lòng chăm lo cho dân chúng, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, công minh, luôn thẳng tay trừng trị những kẻ sách nhiễu dân lành. Một lần, hai viên quan thân cận của Chúa Nguyễn phụng mệnh vào Trấn Biên tìm kiếm ca nhi, đào hát về phục vụ trong phủ Chúa. Cậy thế Chúa và thân thế gia quyến trọng thần triều đình, cả hai làm nhiều điều ngang ngược, bức hại người dân.
Thể theo lòng dân, Đặng Đại Độ đã điều tra, xét xử và nghiêm trị hai kẻ sâu dân mọt nước. Tự thấy mình đã vượt quyền khi thẳng tay xử tử thân tín của Chúa, con cháu của trọng thần, Đặng Đại Độ đã cởi bỏ quan phục, tự đeo gông và đi bộ ròng rã hơn một tháng trời từ Trấn Biên về Phú Xuân chịu tội. Cảm phục khí khái vị thanh quan, Chúa Nguyễn không bắt tội mà còn thăng chức cho ông.
Không phải là một kịch bản quá xuất sắc nhưng Dũng khí Đặng Đại Độ lại luôn luôn mới khi câu chuyện xưa được ghi trong sử sách vẫn còn nguyên tính thời sự, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho vở diễn. Khát vọng về những bậc “phụ mẫu chi dân” như Đặng Đại Độ và những bậc “minh chúa” như Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát vẫn luôn là mong mỏi của mọi người dân ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào.
Hơn nữa, Đặng Đại Độ lại là một hình tượng khá đặc biệt khi: “Cổ kim vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên; nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ, quả thật là rất hiếm” (GS. Nguyễn Khắc Thuần).
Một điều rất đáng ghi nhận nữa qua vở diễn là: có một lớp diễn viên trẻ đã trưởng thành và ngày càng tự tin nối bước các nghệ sĩ đi trước giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Đảm nhận vai Đặng Đại Độ, nghệ sĩ trẻ Bảo Châu thể hiện sự tiến bộ ở cả ca lẫn diễn, đặc biệt là chất vọng vang khỏe, biểu cảm, thể hiện được phong cách trầm ổn, uy nghiêm của một vị quan nắm quyền cầm cân nảy mực.
Trong vai ông bầu gánh hát, nghệ sĩ Thanh Bình một lần nữa khẳng định “sở trường” thể hiện “vai lão” dù tuổi đời còn rất trẻ. Những Hà Sang, Tuấn Nghĩa, Hoàng Hà, Hoàng Xinh... đều để lại ấn tượng với diễn xuất giàu nhiệt huyết của mình. Vở diễn còn có sự tham gia của các nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm: NSƯT Thanh Trang, các nghệ sĩ Hữu Hòa, Linh Phước, Huế Hương, Minh Khương...
Ninh Lộc
Tags