Người Đức vẫn tức tối và bàn luận về trọng tài Anthony Taylor, người đã từ chối quả phạt đền mà họ cho là "rõ ràng nhất trong lịch sử bóng đá". Và họ đang bảo vệ các cầu thủ của mình theo một cách Đức nhất: Một bản kiến nghị.
Gần 400.000 người đã ký vào bản kiến nghị trực tuyến được thực hiện trên trang Change.org yêu cầu trọng tài cho đấu lại trận tứ kết giữa Đức và Tây Ban Nha, với lý do liên quan tới "những quyết định sai lầm của trọng tài". Đúng thế. Bởi vì như nhiều "chuyên gia internet" của Đức đã tuyên bố, chưa bao giờ có vụ "lừa đảo" nào lớn hơn thế trong lịch sử bóng đá, chưa bao giờ có sự phản bội đáng xấu hổ hơn đối với tất cả các giá trị cao quý của UEFA, FIFA và toàn thể nhân loại hơn tội lỗi Taylor đã phạm phải. Với họ, ngay cả bàn tay của chúa Maradona cũng chẳng là gì so với bàn tay của Marc Cucurella phía Tây Ban Nha.
Người Đức vừa "hòa giải" với đội không còn được gọi là đội tuyển nữa (tên gọi Die Mannschaft đã được loại bỏ trước giải đấu - trong tiếng Đức có nghĩa là đội tuyển). Hơn thế nữa, họ nhớ lại lý do tại sao mình lại yêu đội bóng này từ thuở xa xưa.
Việc bị loại khỏi vòng bảng World Cup đầy cay đắng ở Nga 2018 và giải đấu ở Qatar 2022 với những tranh cãi chính trị đã bị lãng quên. Cuối cùng, người Đức lại đoàn kết, cưng chiều những cầu thủ của mình. Ngay cả Toni Kroos cũng chia sẻ điều đó trên Instagram. Thế rồi Anthony Taylor, trọng tài người Anh đã đến và từ chối một quả phạt đền rõ ràng với pha chơi bóng bằng tay cho Đức. Bắt đầu của kết thúc. Nước chủ nhà bị loại ở tứ kết. Đau buồn thay vì hưng phấn, người ta lại quay về thời kỳ mà chẳng có nhiều điều mang lại niềm vui. Nhưng có một tia hy vọng, một khấp khởi ở phía chân trời: Trận đấu có thể được chơi lại.
Điều này có thể thực hiện được nhờ một đặc điểm tâm lý đặc biệt của người Đức. Bởi vì đối với người dân các quốc gia khác, họ chỉ có năm giai đoạn đau buồn theo mô hình của Kübler-Ross. Đó là: Phủ nhận, tức giận, mặc cả, chán nản và chấp nhận, thì ở Đức có giai đoạn thứ sáu, ở đâu đó giữa tức giận và chán nản: Bắt đầu kiến nghị.
"Jamal Musiala sút, Marc Cucurella dùng tay đỡ bóng. Hình ảnh truyền hình trực tiếp rất rõ ràng nhưng không có tiếng tuýt còi nào, không cả VAR. Thứ gây cảm giác không công bằng là cách giải thích chính xác luật ném bóng", một chuyên gia thể thao tên Marcus Krämer chia sẻ về quyết định của Taylor.
Nhưng thật ra, pha chạm tay Cucurella lại không phải là cảnh gây tranh cãi duy nhất như đơn kiến nghị trên trang Chance.org mô tả. Ở phút 77, Niklas Füllkrug đã bị Nacho cản phá sau đường chuyền tầm thấp của Florian Wirtz, khiến anh ngã, một tình huống ngăn cản khả năng dẫn đến một bàn thắng mười mươi.
Trong trường hợp kiến nghị không thành công, người Đức sẽ có một giải pháp được đề xuất để những quy tắc bóng ném phức tạp này không làm hỏng nền bóng đá của họ hơn nữa. Sẽ thế nào nếu bây giờ bạn có thể chạm bóng bằng cả cánh tay thay vì bàn chân, ống chân, đùi, mông, ngực và đầu? Người Đức tự hỏi.
Họ yêu những bản kiến nghị, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính. Họ yêu việc phàn nàn, chỉ trích, chỉ ra lỗi sai của người khác. 5 ngày đã trôi qua kể từ trận tứ kết, họ vẫn còn nói rất nhiều về pha bóng ấy, về việc Đức đã bị đối xử bất công thế nào ở EURO mà họ là chủ nhà.
Ai hiểu biết bóng đá cũng biết chắc chắn chẳng có màn tái đấu nào cả và những cuộc kiến nghị thế này vẫn xảy ra như cơm bữa trên mạng xã hội. Vậy mà người ta vẫn đầu tư thời gian và công sức vào làm, vẫn gửi gắm hy vọng ở đó. Quả là chuyện lạ đó đây.
Tags