Một ngày cuối tuần thông thường ở Berlin luôn có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các cuộc triển lãm, các sự kiện quốc tế. Mùa hè này thủ đô nước Đức có thêm EURO 2024. Nhưng dường như bóng đá chẳng mang lại nhiều ảnh hưởng hay những cảm xúc đặc biệt cho thành phố này.
Chúng tôi tới sân bay cũ Tempelhof của Berlin để xem trận đấu giữa Thuỵ Sĩ - Hungary ngoài trời cùng vài người bạn Thụy Sĩ. Người ta mở bán 330 chỗ ngồi với màn hình lớn và vài ki ốt bán đồ ăn. Hết hiệp 1, vẫn chỉ có khoảng 30 người có mặt ở đó.
Những người tới xem không mang cờ quạt hay bất kì vật dụng gì cho thấy họ là cổ động viên bóng đá. Bạn của chúng tôi, những thanh niên Thụy Sĩ mới ngoài 20 còn nhiều nhiệt huyết và sự máu lửa với cuộc đời cũng không phải ngoại lệ. Họ thậm chí không mấy chú ý tới diễn biến trận đấu, chỉ vừa nói chuyện vừa thi thoảng liếc nhìn màn hình khi có một tình huống bóng hấp dẫn. Thú thật tôi chưa từng thấy không khí bóng đá nào tẻ nhạt đến thế, thua cả không khí một trận đấu khuôn khổ giải hạng 2 ở những nơi khác trên nước Đức, hay thậm chí Hải Phòng quê tôi.
Người ta có thể dễ dàng "bào chữa" rằng đó không phải một trận đấu của nước chủ nhà Đức, và rằng các cổ động viên Thụy Sĩ hay Hungary đã đổ dồn về Cologne để thực sự đắm chìm trong không khí bóng đá. Nhưng trong cùng ngày, Berlin là nơi diễn ra trận đấu giữa Tây Ban Nha - Croatia, EURO vẫn như vô hình ở phần lớn Berlin. Thỉnh thoảng lác đác một vài nhóm cổ động viên đi lại trên những bến tàu điện ngầm, với một sự yên lặng và trật tự đến đáng buồn. Buồn vì bóng đá không cần điều đó, môn thể thao này cần những tiếng hò reo, những màu sắc, những lời ca tiếng hát.
Ước tính có khoảng 8.000 người hâm mộ của cả 2 đội Tây Ban Nha, Croatia tập trung tại Breitscheidplatz để diễu hành từ đó tới sân vận động Olympic nơi diễn ra trận đấu. Nhưng cuối cùng, họ chọn cách đi tàu để di chuyển tới sân. Riêng trong sân, cổ động viên được lấp đầy nhưng người Croatia chiếm đa số hơn (50 ngàn người). Và đó là những tụ điểm duy nhất người ta nhìn thấy bóng đá hiện hữu.
Ngay cả trong ngày khai mạc, tôi cũng thấy thiếu vắng sự hưng phấn của sắc màu đen - đỏ - vàng trên lá quốc kỳ Đức trên đường phố hay những nơi công cộng. Nếu không có mặt trên sân Allianz Arena, người ta đổ dồn về cổng thành Brandenburg để thưởng thức trận đấu ngoài trời và dường như đó là nơi duy nhất giữa thủ đô bạn thấy chút không khí bóng đá phảng phất. Những tưởng dòng người sẽ đông nghịt cùng những vại bia, màu cờ Đức nhưng điều đáng nhớ nhất đối với tôi lại là khu vực tập trung xem bóng đá thoáng đến bất ngờ. Lạ hơn nữa, tôi chưa từng tới đâu trên đất Đức mà người ta ít treo lá quốc kỳ ở cửa sổ khi có bóng đá như ở Berlin. Phần lớn các cửa hàng, dù lớn hay nhỏ, đều không mấy mặn mà trang trí nội thất cho việc phục vụ EURO.
Dù sao thì tâm trạng chung của cả đất nước vẫn khá tồi tệ. Chiến tranh Nga - Ukraine kéo theo lạm phát, khủng hoảng, những cuộc biểu tình liên miên và cả chiến tranh lớn về ý thức hệ. Người trẻ bắt đầu bầu cho Đảng cực hữu (AfD) và phần còn lại vẫn miệt mài đấu tranh phản đối tư duy chính trị đó. Nhưng đó là ở phía Đông đất nước thôi. Ở phía Tây, Munich đang cho thấy mình mới thực sự là "chủ nhà" của giải đấu. Bầu không khí bóng đá hiện hữu ở khắp nơi, từ Công viên Olympic cho tới trung tâm Marienplatz hay sân vận động, người ta vẫn giăng cờ quạt, mở nhạc lớn ăn mừng dư âm của trận khai mạc đại thắng, hay tổ chức các sự kiện văn hoá, triển lãm, hoà nhạc miễn phí phục vụ khán giả của EURO.
Người Đức "kỳ thị" dân Munich và xứ Bavaria vì sự giàu có, xa hoa và khác biệt của họ. Nhưng khách quan mà nói, Berlin như thể không thuộc về nước Đức.
Yến Nhi
Tags