Merih Demiral ăn mừng bàn thắng ấn định chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ tại EURO 2024 bằng kiểu chào sói, biểu tượng của Bầy sói xám (Gray Wolves). Chính quyền Đức đang đặc biệt theo dõi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này.
Phút cao hứng của Demiral và cái kết
Hậu vệ Merih Demiral, người đã lập cú đúp trong trận 1/16 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo, đã thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà hành pháp Đức vì màn ăn mừng có tính phi thể thao gắn liền với chủ nghĩa cực hữu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Anh chụp ngón cái, ngón giữa, ngón đeo nhẫn vào nhau để bắt chước hình dạng đầu sói - là biểu tượng của Bầy Sói Xám, một nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ, còn được gọi là Idealist Hearths hay Ulku Ocaklari.
UEFA đã mở một cuộc điều tra về Demiral, cầu thủ có thể phải đối mặt với án treo giò. Hành động này bị cấm về mặt pháp lý ở Áo nhưng không bị cấm ở Đức, nơi lệnh cấm tương tự đang được thảo luận.
Biểu tượng này đã gây chú ý ở Đức gần một năm trước sau khi Mesut Özil, cựu tuyển thủ đã gây xôn xao với một bức ảnh để lộ hình xăm một con sói đang hú với ba mặt trăng lưỡi liềm - biểu tượng điển hình của Sói Xám. Đó không phải lần đầu Özil gây mất cảm tình với nước Đức. Anh cũng từng nói lời từ giã ĐTQG sau những hục hoặc với Liên đoàn bóng đá Đức DFB về tấm ảnh chụp cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Dù sinh ra và lớn lên ở Đức, Özil có nguồn gốc nhập cư khi cả hai bố mẹ đều là người Thổ. Anh không ngại thể hiện sự gắn kết sâu sắc hơn hẳn với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Đức.
Trong thần thoại, một con sói xám đã cứu tổ tiên của các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khỏi kẻ thù của họ và giúp họ trở thành một cường quốc. Đối với nhiều người, con sói tượng trưng cho quyền lực. Cử chỉ tay sói cũng có ý nghĩa từ huyền thoại này. Ý nghĩa của hình trăng lưỡi liềm bắt nguồn từ lá cờ chiến tranh của người Ottoman, mô tả ba hình được sắp xếp thành một hình tam giác. Ngày nay, chúng tạo thành biểu tượng của Đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP), vốn là đồng minh chính của Tổng thống Erdogan trong nhiều năm.
Hệ tư tưởng Sói Xám
Chính quyền Đức mô tả hệ tư tưởng của nhóm này là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài Do Thái và phân biệt chủng tộc. Nhóm này có quan điểm thù địch đối với người Kurd, người Armenia, người Do Thái và người Thiên chúa giáo, đồng thời tin vào tính ưu việt của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ, các thành viên của Sói Xám đã thực hiện nhiều hành vi bạo lực, đặc biệt là vào những năm 1970.
Theo cơ quan tình báo nội địa của Đức, Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp (BfV), mục đích của Bầy Sói Xám là thiết lập một nhà nước đồng nhất tất cả các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ - kéo dài từ vùng Balkan đến miền phía Tây Trung Quốc.
Bầy Sói Xám có mặt ở khắp châu Âu. Một tổ chức bảo trợ khu vực, Liên đoàn Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu, được thành lập tại thành phố Frankfurt của Đức vào năm 2007 để tập hợp các nhánh khác nhau của châu Âu.
Cơ quan an ninh ở Đức tin rằng có khoảng 11.000 thành viên Sói Xám ở nước này, khoảng 9.500 người trong số họ được tổ chức thành các hiệp hội.
Có thể các cầu thủ chỉ đơn giản yêu nước họ. Đôi khi người ta có những hình xăm mà không hiểu ngọn nguồn ý nghĩa của nó, điều này diễn ra như cơm bữa. Hoặc khi người ta ăn mừng theo một kiểu mà họ đơn thuần nghĩ rằng nó... ngầu, nó thể hiện một cảm xúc mạnh mẽ cho quê hương và dân tộc mình. Nhưng không biết mà làm thì vẫn bị chỉ trích và nhận hình phạt - ở đây là treo giò.
Yến Nhi
Tags