Những người hâm mộ bóng đá đến thăm các thành phố đăng cai EURO 2024 đã bị sốc trước những khó khăn và sự chậm trễ trong việc đến và rời khỏi các trận đấu ở Đức. Một số người mô tả tình huống này là một "cơn ác mộng".
Đã là nửa đêm và hàng chục nghìn người hâm mộ của Tây Ban Nha và Ý đang đi bộ qua một cây cầu hướng tới nhà ga Arena AufSchalke ở thành phố Gelsenkirchen. Bên dưới họ, cứ khoảng 5 phút lại có một chiếc xe điện chạy qua, chờ khách trước khi khởi hành với tốc độ ngang với ốc sên, hướng về trung tâm thành phố. Thỉnh thoảng, từ một khu vực trên mặt đất của nhà ga đã bị bỏ hoang và "vô hình" đến mức ít người ở đây có thể nhận ra đó là một bến xe, một chiếc xe buýt bất ngờ có dấu hiệu của... sự sống, mở cửa, đón người hâm mộ lấp đầy nó.
Những chiếc xe buýt đến không thường xuyên và đều đặn, khiến đám đông còn lại tiếp tục phải chờ đợi, nhiều khi cảm giác dài như vô tận. Tại sao lại quá ít xe di chuyển giữa một giải đấu lớn thế này?
Đó không phải lần đầu. Những người hâm mộ đầu tiên phải đi qua thử thách này các CĐV của Anh và Serbia. Nhiều người đã dành hơn một giờ đồng hồ để chen chúc trong đám đông trên cây cầu đi bộ dẫn đến nhà ga. Hàng trăm người chọn cách đi bộ hàng dặm vào trung tâm thành phố hoặc các thị trấn lân cận để tránh phải chờ đợi hoặc chen chúc. Mọi sự còn có thể tệ hơn ở ngay chính nhà ga trung tâm Gelsenkirchen, với tình trạng quá tải trên các sân ga và thông tin sai lệch, chậm giờ từ những người vận hành đã làm tăng thêm cảm giác hỗn loạn nói chung.
Hai giờ trước đó, người ta có thể thấy các nhóm cổ động viên đang bò lên bờ dốc đầy bùn để đến cây cầu dành cho người đi bộ vì đã rẽ nhầm khi rời khỏi mặt đất. Sau đó, họ buộc phải trèo qua lan can để vào lối đi, nơi nhìn ra bởi một bãi đậu xe nhiều tầng rộng lớn nhưng trống rỗng. Vì khi Schalke thi đấu trên sân nhà, các cổ động viên trong nước Đức có thể di chuyển với xe ôtô của mình. Trong khi ở EURO, các CĐV đội khách phải tới từ một đất nước khác, không nhiều người trong số họ mang ôtô đi cùng.
Xe tàu ở Đức không còn đúng giờ như trước
Thực ra thì thành phố Gelsenkirchen đã cố gắng hơn thông thường. Những chiếc xe điện đã được bổ sung nhiều gấp đôi so với lượng xe có mặt sau mỗi trận đấu trên sân nhà của Schalke. Nhưng các CĐV quốc tế thì không nghĩ thế.
Do năng lực, số lượng tổng thể hạn chế của mạng lưới xe điện của thành phố này và sự phụ thuộc hiển nhiên của những người hâm mộ tới Đức xem EURO vào phương tiện giao thông công cộng, một sự thay đổi so với thông thường là không đủ đáp ứng kỳ vọng của các vị khách quốc tế. Nhất là khi họ là những người dân các nước láng giềng, thường bị người Đức "lấn át" trong những khía cạnh đời sống liên quan tới sự hiệu quả, cách vận hành mọi thứ, tính tổ chức tốt.
Và ngay cả ở những thành phố lớn, chuyện tàu xe quá tải, muộn giờ đã trở thành vấn đề mang tính quốc gia của nước Đức hơn 1 năm qua. Đây là một điều đáng xấu hổ cho đất nước luôn tự hào về sự đúng giờ, tính kỷ luật, khoa học, hiệu quả của mình.
Sống ở Đức đã hơn 10 năm, tôi cũng chưa từng thấy tình trạng giao thông của đất nước tồi tệ hơn cả một năm qua. Giữa Berlin, thủ đô, bộ mặt của đất nước với hệ thống phương tiện công cộng như mắc cửi, mà cả vài tháng qua, chuyện xe điện, tàu điện, bus tới đúng giờ như xưa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Khi các công trình được thi công giữa lòng đường hay có một cuộc biểu tình nào đó diễn ra, giao thông sẽ như bị ngưng đọng. Đây rõ ràng không phải một nước Đức tôi từng biết, hay tất cả mọi người mường tượng.
Nhưng ai cũng rõ vấn đề nằm ở đâu, chỉ là vẫn chưa ai có cách giải quyết triệt để. Ở một số nơi, thậm chí người ta còn có cảm giác là chẳng cái gì đang được giải quyết cả.
Yến Nhi
Tags