Xem 'lịch sử' từ Si Ma Cai

Thứ Tư, 30/03/2022 11:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả bài báo này đang ở Si Ma Cai, Lào Cai, thật đặc biệt khi được xem trận đấu ở miền biên viễn với nhiều fan là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm nhấn Nhật Bản 1-1 Việt Nam: Kết thúc đẹp cho hành trình lịch sử

Điểm nhấn Nhật Bản 1-1 Việt Nam: Kết thúc đẹp cho hành trình lịch sử

Tuyển Việt Nam đã kết thúc hành trình của mình ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 bằng trận hòa 1-1 trước tuyển Nhật Bản. Chúng ta có thể ngẩng cao đầu với màn trình diễn này.

Si Ma Cai vốn dĩ là một huyện nghèo, với rất nhiều thôn bản và xã tái nghèo, theo chia sẻ của người dân ở đây. Hơn 80% người Mông có tập tính sống ở trên cao, vì thế để tìm được một nhà dân có tivi và mạng Internet là điều không đơn giản. Thật may mắn, khi chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo, với tivi màu và cả những món đặc sản của đồng bào.

Rượu mơ, thịt treo gác bếp, chân giò Quảng Đông của người Việt gốc Hoa..., tôi xem bóng đá cùng những người bản địa, với bầu không khí cổ vũ không thua kém gì dưới xuôi. Và đặc biệt, kiến thức bóng đá của họ đã khiến chúng tôi rất bất ngờ. "Tôi yêu đội tuyển và gần như không bỏ bất cứ trận nào của đội bóng tại chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022, khu vực châu Á. Cầu thủ tôi mê nhất, chính là Hoàng Đức. Nhưng hơi tiếc Đức đã không thể chơi trận này vì Covid-19", anh Tiến, chủ một gara ô tô ở Si Ma Cai chia sẻ.

Vắng Hoàng Đức và hàng loạt các trụ cột, nhưng có thể nói, các học trò của HLV Park Hang Seo đã có một trận đấu tuyệt vời. Chúng ta thậm chí còn sớm có bàn vượt lên dẫn trước ngay trong hiệp 1 và tiếp tục đứng vững sau đó. Nhưng, Nhật Bản là đội bóng nào? Họ tạo điều kiện để Việt Nam chơi bóng, song cũng tạo sức ép rất lớn lên cầu môn của Nguyên Mạnh. Ngoài bàn quân bình tỷ số, ít nhất 2 lần, VAR đã từ chối 2 bàn thắng khác.

Sau trận thắng Trung Quốc ở Mỹ Đình hôm mùng Một Tết Nguyên đán, chúng ta có thêm một trận cầu lịch sử nữa trước Nhật Bản. Nó không đơn thuần chỉ là điểm số (4 điểm), mà là lối chơi, cùng một tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Nó cũng tựa như sức sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc vậy. Sương muối với rét nàng Bân, nhiệt độ ngoài trời có khi xuống dưới 0 độ, tuyết phủ trắng xóa..., khắc nghiệt đến đâu, cũng không làm họ chùn bước.

Chú thích ảnh
Những khán giả Việt Nam có mặt trên sân Saitama (Nhật Bản) cùng đông đảo người hâm mộ trong nước lại được chứng kiến 1 kỳ tích mới của bóng đá nước nhà. Ảnh: TTXVN

Đi dọc Si Ma Cai, vào xã Sín Chéng, trước đó ở Bắc Hà, qua chợ phiên Cốc Ly..., sương mù giăng ngập lối, nhưng chúng tôi vẫn kịp nhận ra những bước chân nhỏ bé của trẻ em vùng rẻo cao đến trường. Ở đây, dịch Covid-19 cũng đã tìm đến rồi, nhưng không có chuyện học sinh học online, mà vẫn học bán trú hoặc nội trú bình thường.

"Sau tốt nghiệp, tôi đã chủ động xin về miền biên giới để dạy học. Tính đến nay đã 18 năm trong ngành rồi. Nó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu với trẻ em đồng bào người Mông ở Sín Chéng", cô Dương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Nàn Sín nói với người viết.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Còn với bóng đá Việt Nam, chuyến đi qua đất nước Mặt trời mọc, còn được nhiều hơn cả sàng khôn. Chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022, sẽ được lưu danh và còn được nhắc lại nhiều.

Thi thoảng giữa núi rừng, tôi bắt gặp hình ảnh mấy em bé dân tộc đang cùng nhau vờn bóng. Biết đâu sau này, trong số đó có một vài nhân tài cho bóng đá nước nhà?

CCKM

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›