Tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, Trần Anh Hùng được trao giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất. Có lẽ nếu không trao giải này, thì phía giám khảo cũng khó trao các giải khác, vì Muôn vị nhân gian cố gắng tinh tế tối đa, để đi sâu vào chiều sâu nghệ thuật ẩm thực, nên diện mạo bên ngoài của phim khá bình thường, phẳng lặng.
Chuyện phim khá đơn giản, đó là gian bếp của bậc thầy ẩm thực Dodin (Benoît Magimel thủ vai) và nữ đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche), cùng đam mê nấu nướng của họ. Cả phim (dài 135 phút) chỉ có 1 biến cố ở gần cuối, đó là chuyện Eugénie mất khi vừa nhận lời cầu hôn của Dodin ít lâu, còn chủ đạo chỉ là nấu nướng, ăn uống, trò chuyện…
Ngõ hẹp của chủ đề ẩm thực
Nhiều trường phổ thông trên thế giới khuyến khích học sinh bày tỏ suy nghĩ riêng, nhưng hạn chế tối đa các tranh luận kiểu đúng/ sai về các chủ đề như: ẩm thực, tình yêu, tôn giáo, thẩm mỹ. Bởi tranh luận dễ đi vào ngõ cụt, mất thời gian vô ích, do chúng ít có mẫu số chung, lại phụ thuộc quá nhiều vào văn hóa, cảm xúc và bản sắc riêng. Vậy mà phim Muôn vị nhân gian muốn làm cuộc đối thoại thẩm mỹ giữa ẩm thực và tình yêu, giữa người đầu bếp và người vợ.
Mới nhìn, tưởng như chủ đề ẩm thực - dù lấy bối cảnh tại một vùng quê nước Pháp năm 1885 - là khá rộng, khá tự do. Nhưng thực ra, đó là một ngõ hẹp. Càng hẹp hơn, khi phim muốn bắt đầu từ món bò hầm truyền thống pot-au-feu, một đặc sản của ẩm thực Pháp, phổ biến từ thượng lưu cho đến bình dân. (Cũng có giả thuyết cho rằng chính nước hầm kiểu pot-au-feu là một gợi ý để hình thành nên món phở bò của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20).
Tại sao với Trần Anh Hùng thì đây là một chủ đề hẹp? Vì xét về mặt tâm lý, Trần Anh Hùng không phải là người Pháp - dù về mặt hành chính và đóng góp công sức, anh đã là một người Pháp rất tiêu biểu. "Khi dạo bước trên đường phố Paris, chẳng người Pháp nào gọi Hùng là người Pháp gốc Việt cả. Với họ, Hùng là một người Việt hoặc người Á châu sống ở Pháp. Suy nghĩ này là đúng lý lẽ thường tình mà" - Trần Anh Hùng chia sẻ.
Dẫn lại lời chia sẻ cũ này để thấy rằng, ít nhất ở khía cạnh tâm lý, một người Việt mà nấu các món đặc sản Pháp (dù trên phim), cũng không khác gì một người Pháp nấu phở Nam Định, nấu mì Quảng hoặc bún bò Huế vậy. Để thu hút sự ngạc nhiên của người bản địa có thể được, nhưng để thuyết phục họ rằng món này ngon "như mẹ nấu", thì còn lâu.
Xem Muôn vị nhân gian, với sự cố vấn chuyên môn của đầu bếp Pierre Gagnairem (14 sao Michelin) thì việc tái hiện chân thực những món đặc sản truyền thống Pháp không khó, nhưng để thuyết phục được dân bản xứ Pháp thì rất khó. Những bình luận tiêu cực của người Pháp quanh chuyện Trần Anh Hùng làm phim về ẩm thực Pháp, có thể cho thấy điều này. Nếu phim này mà đề tên một đạo diễn Pháp, thì khó mà chê về khía cạnh ẩm thực, do mọi thứ quá hoàn hảo, quá duy mỹ. Trần Anh Hùng cũng xác nhận đây là "một khung cửa hẹp, mà hẹp thì mới đáng để khám phá".
Phim cũng cho thấy rõ sự khác biệt về quan niệm và thẩm mỹ ẩm thực. Đó là khi Dodin cùng những người bạn sành ẩm thực Pháp đi dự đại tiệc chiêu đãi kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ của một hoàng tử điện hạ Á-Âu. Ra về, họ thán phục về sự hoành tráng, nhưng chê tơi tả về sự tinh tế.
Trong phim cũng có đoạn Dodin cho cô bé học việc Pauline nếm thử món súp có tủy bò, rồi hỏi ngon không? Pauline lắc đầu. Dodin giải thích từ tốn rằng "cháu còn nhỏ quá, chỉ có văn hóa và ký ức mới làm nên khẩu vị".
Dù biết khó khăn, vì sao anh vẫn chọn làm phim về ẩm thực Pháp? Trước câu hỏi ấy, Trần Anh Hùng trả lời: "Nếu có đủ cơ duyên và kinh phí, tôi sẽ làm phim về ẩm thực Việt Nam. Theo tôi, ẩm thực cũng là nghệ thuật, tôi muốn làm phim nghệ thuật, nên chọn ẩm thực".
"Dù tôi không sành ẩm thực như hội họa, nhưng xét về độ khó, tìm diễn viên thể hiện việc nấu ngon, nấu đẹp luôn dễ hơn vẽ đẹp, vẽ thật. Nếu làm phim về hội họa, tôi nghĩ khán giả sẽ khó tin diễn viên và đạo diễn hơn là phim ẩm thực" - anh cho biết thêm.
Chính những khó khăn vừa nêu, khi được làm tốt, đã tạo nên sự xuất sắc của Trần Anh Hùng trong cương vị đạo diễn Muôn vị nhân gian. Trong phim này, anh còn viết kịch bản, còn vợ anh - nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê - thì làm giám đốc hình ảnh và phục trang phim. Vậy là kể từ Vĩnh cửu (2016), gia đình Trần Anh Hùng mới lại làm phim. Cuối phim có dòng chữ nhỏ "à Yên Khê" (gửi Yên Khê), như là lời đề tặng của Trần Anh Hùng với vợ của mình.
Nếu nhìn từ phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (1987) đến nay, Trần Anh Hùng đạo diễn 9 phim, thì không phim nào giống phim nào về cách đặt vấn đề, cách cấu tứ, nhưng cách kể chuyện duy mỹ thì không thay đổi.
Phim có gì để xem?
Với những ai mê ẩm thực cổ điển và rượu vang Pháp, thì Muôn vị nhân gian là một thực đơn thực tế và tinh tế đến không tưởng. Với triết lý duy mỹ, Trần Anh Hùng đã kể câu chuyện tiết chế và tự nhiên đến tối đa. Benoît Magimel và Juliette Binoche từng là vợ chồng (1998 - 2003), họ có với nhau một con gái là Hana Magimel (sinh 1999). Mời được họ vào đôi tình nhân ẩm thực chứng tỏ sự xuất sắc trong vai trò đạo diễn của Trần Anh Hùng. Họ diễn như đo ni đóng giày, diễn như không diễn, vì như "sẵn có" hoàn cảnh tâm lý của nhân vật.
Bậc thầy ẩm thực Dodin và nữ đầu bếp Eugénie có hơn 20 năm bên nhau, họ cùng tạo ra những tuyệt tác ẩm thực, có địa vị cao trong xã hội, có sự đồng điệu về thể xác và tâm hồn trong tình yêu, nhưng họ dừng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Trong các cuộc trò chuyện của họ, khái niệm "vợ" được đặt ra nhiều lần, thậm chí họ đã trao nhẫn và đính hôn. Nhưng cuối cùng thì Eugénie vẫn là - đúng hơn, vẫn thích - làm nữ đầu bếp. Ẩm thực được xây dựng bằng tình yêu, nhưng sâu xa trong trái tim, ẩm thực vẫn cao hơn tình yêu một chút.
Với những ai thích công tác đạo diễn, muốn tò mò về cách kể một câu chuyện có diện mạo bên ngoài đơn giản, ít hoặc không kịch tính, thì Muôn vị nhân gian là một ví dụ tuyệt vời. Nếu nhìn từ phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (1987) đến nay, Trần Anh Hùng đạo diễn 9 phim, thì không phim nào giống phim nào về cách đặt vấn đề, cách cấu tứ, nhưng cách kể chuyện duy mỹ thì không thay đổi. Trong không khí duy mỹ đó, vai trò của người phụ nữ, gian bếp và ẩm thực như là những ký hiệu để nhận ra Trần Anh Hùng.
Sự tò mò về ẩm thực của Pauline trong Muôn vị nhân gian cũng giống sự tò mò của bé Mùi trong phim Mùi đu đủ xanh (1993, đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất) của Trần Anh Hùng. Cả hai phim đều có những góc máy đầy duy mỹ và triết lý về căn bếp. Khi làm Xích lô (1995) ở Việt Nam, Trần Anh Hùng đã có ý tưởng về ba kịch bản, tạm đặt tên là Tôm khô củ kiệu, Rượu gạo, Thương nhớ mười hai (lấy cảm hứng từ bút ký của Vũ Bằng).
"Tôi đang dự định làm một phim về cuộc đời Đức Phật và một phim mà nhân vật toàn là phụ nữ" - đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết.
Bộ phim "Muôn vị nhân gian" (The Taste of Things) của Trần Anh Hùng sẽ được khởi chiếu tại các cụm rạp Việt Nam từ ngày 22/3.
Tags