Xem nghe thấy đọc tuần này: 'Rạo rực' nhạc Trịnh và nhạc kịch Mozart

Thứ Hai, 25/03/2019 07:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các hoạt động “xem, thấy, nghe, đọc” nổi bật tuần này là biểu diễn nhạc kịch của Mozart và đêm nhạc Trịnh Công Sơn, cả hai đều diễn ra tại TP.HCM.

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Em còn nhớ hay em đã quên” kỷ niệm 18 năm ngày người nhạc sĩ qua đời, vào ngày 31/3/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

1. Ngày 28/2 là ngày sinh và ngày 1/4 là ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuối tuần này ở Hà Nội và TP.HCM có nhiều chương trình biểu diễn nhạc Trịnh nhân ngày mất của ông. Riêng gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì tổ chức cả chuỗi hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông và chuỗi sự kiện tưởng nhớ 18 năm nhạc sĩ rời cõi tạm.

Chuỗi chương trình này gồm nhiều hoạt động như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại đường sách Nguyễn Văn Bình (1/4), Biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn tại Nhà hát TP.HCM (3, 4/4), Ra mắt dự án phim Trịnh Công Sơn (1/4) và chính thức mở dự tuyển hai diễn viên cho vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim... Nhưng trọng tâm của chuỗi sự kiện này là đêm nhạc Gọi tên bốn mùa vào tối 30/3 tại Sân vận động Hoa Lư (TP.HCM). Đây là đêm nhạc đặc biệt nhằm kỷ niệm 80 ngày sinh của Trịnh Công Sơn.

Tên của đêm nhạc cũng là tên của một ca khúc của ông, nhưng gia đình muốn gửi gắm một thông điệp sâu sắc hơn, đó là góc nhìn rất “trần gian” của Trịnh Công Sơn về vòng đời của con người phải trải qua sinh - lão - bệnh - tử, tương tự như lẽ tất yếu của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong một năm.

Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ sĩ nổi tiếng như: các ca sĩ Bằng Kiều, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Lân Nhã, Đồng Lan, Tấn Sơn, Hồng Vy… các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, An Trần (saxophone), Tuấn Mạnh (piano)... Các nghệ sĩ sẽ biểu diễn những ca khúc của Trịnh Công Sơn được yêu thích qua năm tháng.

Đây là đêm nhạc lớn có sân khấu hoành tráng, đặc biệt theo truyền thống gia đình, những đêm nhạc do gia đình tổ chức là không bán vé để đông đảo người hâm mộ có thể đến để thưởng thức những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Ngoài ra, trong dịp cuối tuần này, nhiều nơi cũng tổ chức chương trình nhạc Trịnh Công Sơn. Tiêu biểu là chương trình “Này em có nhớ” lúc 20h ngày 27/3 tại Nhà hát VOH Music One, số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM với sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ như: Đồng Lan, thụy Uyên, Hải yến, Võ Lê Vy, Thúy Huyền, Trọng Khương... Hay chuỗi 3 đêm nhạc tại K-Holic coffee tưởng nhớ 18 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào các ngày 29, 30 và 31/3 tại số 6 ngõ 58 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Chú thích ảnh

2. Nhạc kịch Cây sáo thần được xem là tác phẩm có quy mô lớn và chất lượng nghệ thuật cao của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và năm 2019 được biểu diễn duy nhất 1 đêm vào 31/3/2019 tại Nhà hát TP.HCM. Cây sáo thần là tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart, đây được xem là một trong những nhạc kịch mẫu mực của thời kỳ cổ điển.

Nội dung nhạc kịch xoay quanh câu chuyện của 3 nhân vật chính: hoàng tử Tamino, anh chàng bắt chim Papageno và nàng công chúa Pamina. Papageno và Tamino được giao nhiệm vụ đi tìm kiếm Pamina - người bị Sarastro bắt đi. Bà hoàng cho Papageno một chùm chuông thần và chiếc sáo thần. Trên đường đi họ gặp được ba em bé chỉ đường dẫn lối và khuyên bảo.

Nói chung, nội dung của vở kịch là những mẩu chuyện “lộn xộn” như cái cớ để nhạc kịch trình diễn những bài hát hay được thể hiện với những giọng hát đặc biệt...

Nhạc kịch Cây sáo thần được dàn dựng bởi đạo diễn người Đức David Hermann và do nhạc trưởng người Đức Askan Geisler chỉ huy. Toàn bộ phẩm do diễn viên Nhà hát biểu diễn, ngoại trừ giọng nam trầm Derek Anthony (vai Sarastro).

Phạm Khánh Ngọc (soprano) vào vai Nữ hoàng bóng đêm, Đào Mác (bariton) vào vai người bắt chim Papageno, Phạm Trang (tenor) vào vai Tamino, Cho Hae Ryong (soprano) vào vai Pamina...

Vở opera sẽ được hát bằng tiếng Đức, cùng với phần thoại bằng tiếng Việt.

Nhạc kịch thế kỷ 20 đã đưa vào nhiều yếu tố giải trí và được đông đảo khán giả yêu thích. Nhưng những giá trị nghệ thuật bất hủ của nhạc kịch kinh điển vẫn được xem là những viên ngọc quý giá trong kho tàng thành tựu trí tuệ của nhân loại. Đó là những giá trị đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc cũng như dàn nhạc giao hưởng, những điều luôn làm say mê những khán giả yêu nghệ thuật hàn lâm.

Cây sáo thần được xem là nhạc kịch cổ điển đứng thứ ba sau 2 vở La Traviata của Verdi và Carmen của Bizet. Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM dự kiến sẽ “sốt vé” đối với đêm diễn này.

Bình Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›