(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa phối hợp tổ chức trưng bày Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nhân 110 năm ngày sinh của ông.
- Triển lãm 'Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí'
- Sinh nhật 110 năm của danh họa Nguyễn Gia Trí: Một tượng đài sơn mài khó thay thế
- Danh họa Nguyễn Gia Trí và phiên đấu giá 'vô tiền khoáng hậu'
Triển lãm giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của họa sĩ được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau: bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp, … trên giấy. Tất cả thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Trong số những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có những bức rất giản đơn, chỉ một vài nét có thể phác họa lên hình ảnh một cô gái, một người phụ nữ với nhiều động tác khác nhau, nhưng cũng có những phác thảo được họa sĩ thể hiện tỉ mỉ, cẩn trọng có thể đứng riêng như một tác phẩm như các phác thảo thể hiện đề tài phong cảnh – nhân vật.
Song cho dù là phác thảo chỉ vài nét phác họa đơn giản, hay phác thảo được biểu đạt tỉ mỉ, chúng không chỉ thể hiện được tài năng và kỹ thuật điêu luyện mà còn thể hiện một thế giới lao động cần mẫn, dạt dào cảm xúc, nhưng cũng đầy bí ẩn của hình và sắc qua bàn tay và khối óc của người nghệ sĩ.
Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo cho biết, phần nhiều trong những bức ký họa trưng bày làn này của cụ Nguyễn Gia Trí ghi chép lại hơi thở của cuộc sống trước Cách mạng tháng Tám. Vì vậy, xem bộ ký họa này, đều cho ta một hoài niệm, một cảm xúc về quá khứ...
"Vì thế, cũng có thể nói họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng Xem ký họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, có thể nói cụ là người của "muôn năm cũ", có công đóng góp cụ thể và trực diện cho nền mỹ thuật nước nhà, cho thẩm mỹ của xã hội.
Ngoài ra, với những tác phẩm này, dù chỉ là những ký họa chì than trên những chất liệu rất đơn sơ như giấy gói, nhưng Nguyễn Gia Trí cũng đã có công để lại những hoài niệm về một thời lịch sử, đóng góp cho những nỗi nhớ của những người già và trẻ ở trong, ngoài nước hiểu hơn về quá khứ. Đó cũng chính là sự khác biệt của cụ mà không phải ai cũng có thể làm được" - nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nói.
“Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” diễn ra từ 26/6 đến 10/72018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Một số phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí:
Đôi nét về họa sĩ Nguyễn Gia Trí Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh ngày 06 tháng 10 năm 1908 tại Hà Tây (tức Hà Nội ngày nay). Nguyễn Gia Trí theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa IV (1928 - 1933) nhưng nửa chừng thì gián đoạn và quay trở lại học vào khóa VII (1931 – 1936). Nguyễn Gia Trí được xem là một trong những người đi đầu của hội họa sơn mài Việt Nam. Ngay từ thời sinh viên, Nguyễn Gia Trí đã say mê với chất liệu sơn ta truyền thống và là người có công lớn trong việc cải tiến, hoàn thiện chất liệu sơn mài trong hội họa. Những triển lãm đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong năm 1938 – 1939 đã thu hút nhiều sự quan tâm và ủng hộ của công chúng. Từ những năm 1940, Nguyễn Gia Trí bắt đầu định hình phong cách nghệ thuật của mình, chuyên chú vào đề tài phong cảnh và thiếu nữ. Nguyễn Gia Trí còn là một họa sĩ biếm họa sắc sảo, trong khoảng thời gian 1935 đến 1939, ông vẽ cho các báo Phong hóa, Ngày nay với bút danh “Rigt, Right…” (một cách đảo lộn trình tự các chữ cái của G.Trí). Từ năm 1954, ông chuyển vào Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) sinh sống và làm việc. Những năm 1960 – 1970, nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí có xu hướng thiên sang trừu tượng với những thử nghiệm độc đáo, đưa ý niệm về chất liệu sơn mài đi xa hơn. Tuy nhiên, sau đó, ở giai đoạn cuối đời, Nguyễn Gia Trí lại quay về với phong cách hiện thực lãng mạn của những năm 1940. |
Bài và ảnh Phạm Huy
Tags