Xem phim 'Bình minh đỏ': 'Đất nước mình nhiều điều giản dị'

Thứ Sáu, 29/04/2022 16:00 GMT+7

Google News

Tôi có mặt tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia dự buổi chiếu ra mắt bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng Bình minh đỏ (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành) vào tối cuối tháng 4/2022 trong không gian ấm áp, xúc động.

'Bình minh đỏ' – Thời để nhớ của những cô lái xe Trường Sơn

'Bình minh đỏ' – Thời để nhớ của những cô lái xe Trường Sơn

Hình ảnh những cô gái lái xe trên đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được tái hiện sống động, giản dị mà chân thực trong phim "Bình minh đỏ" của đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân.

Ngồi cạnh tôi là các nữ cựu chiến binh trong Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất hơn nửa thế kỷ trước. “Đất nước mình nhiều điều giản dị” - Trong tôi, bỗng vang lên những lời thơ của Phạm Tiến Duật trong bài Gửi em, cô bộ đội lái xe…

Trước buổi công chiếu, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - ghi nhận sự cố gắng của đoàn làm phim đã tái hiện hình tượng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn tuổi đôi mươi vượt núi băng rừng, tải thương, tải đạn... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Chú thích ảnh
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam tặng hoa cho các cựu chiến binh Đội nữ lái xe

Xúc động gặp nguyên mẫu ngoài đời, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ tình cảm tri ân, tặng hoa các cựu chiến binh Trung đội nữ lái xe năm xưa. Diễn viên Phạm Quỳnh Anh (vai nữ lái xe Châu) cảm xúc trào dâng.

Đại diện cựu chiến binh xúc động nhắc nhớ sự ra đời đội nữ lái xe đặc biệt. Sau này, các chị được điều về trường đào tạo lái xe, tập luyện, tham gia lễ duyệt binh năm 1975, điều khiển xe chỉ huy, xe thông tin, xe kéo pháo 157…

Sau Tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng ác liệt. Đế quốc Mỹ đã huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc này, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 được giao tăng khối lượng chi viện gấp đôi thời điểm trước. Lái xe nam không đủ. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, đào tạo gấp lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường.

Chú thích ảnh
Tác giả (trái) chụp ảnh lưu niệm với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (thứ 4 phải sang), diễn viên Phạm Quỳnh Anh (thứ 3 phải sang)

Các cô gái tuổi 18 - 20 sức khỏe tốt, tháo vát, có hiểu biết chút ít về kỹ thuật được tuyển chọn và đào tạo cấp tốc. Sau khóa huấn luyện 45 ngày tại Nghệ An, Thanh Hóa, 40 nữ chiến sĩ lái xe/thợ sửa chữa được tuyển chọn.

Ngày 18/12/1968, tại khu rừng thuộc xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Đội nữ lái xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 69… nhiệm vụ 2 chiều. Khi giao hàng xong, xe chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập… Có lúc, các chị nhận nhiệm vụ đặc biệt đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

***

Kịch bản dựa trên sự kiện Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Ê-kíp sáng tạo đã xây dựng những câu chuyện xoay quanh 4 nữ lái xe tuổi đời rất trẻ là Châu (DV Phạm Quỳnh Anh), Hân (DV Hoàng Bích Phượng), Sa (DV Phạm Bảo Hân) và Thương (Hà Phương Anh) được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.

Chú thích ảnh
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng – tác giả bài viết - và sinh viên Phạm Bảo Hân – Lớp diễn viên kịch-điện ảnh K38 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

4 nữ chiến sĩ lái xe xinh đẹp đến với chiến trường từ những miền quê, hoàn cảnh khác nhau. Chân dung 4 nữ chiến sĩ lái xe mỗi người một vẻ đều toát lên sự đằm thắm, nữ tính, yêu đời, khao khát được yêu… Giữa núi rừng, các cô hát, mơ mộng, vui đùa tếu táo nhưng lại sợ bóng tối, sợ ma, sợ máu… Vào mặt trận, hầu hết các chị chưa từng biết bàn tay con trai. Duy nhất có Thương mới chớm yêu người bạn cùng quê đang ở mặt trận, nên cứ thầm nhung nhớ, chờ thư, mong gặp người yêu. Cảm xúc chớm hé trên chặng đường khốc liệt của Châu với Thiện (Trần Việt Hoàng đóng). Cảm xúc đầu đời của Sa với Ngọc (anh trai của Châu). Hồn nhiên bao nhiêu khi Sa tò mò hỏi về nụ hôn của Thương với Quyết và đỏ mặt ấp úng hỏi “đã làm gì chưa?”…

Phim Bình minh đỏ đã mang đến cho khán giả bao cảm xúc, thực sự là một công trình nghệ thuật chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022). Bộ phim đã từng đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.

Ngoài Sa (Bảo Hân đóng) cắt tóc như con trai, 3 cô có mái tóc dài cứ rụng thưa dần. Giữa khốc liệt của cuộc chiến, tiếng hát quan họ da diết của Thương (Hà Phương Anh đóng) ngân vang giữa núi rừng. Cảnh tắm suối, cảnh gội đầu vung tít bắn giọt nước từ mái tóc dài… làm nên bức tranh đẹp, nên thơ, lãng mạn đối lập với cảnh bom đạn, chết chóc, đau thương.

Chú thích ảnh
Poster phim "Bình minh đỏ"

Hành trình trưởng thành của các nữ chiến sĩ lái xe được thể hiện chân thực, phù hợp với tâm lý, có tính logic. Vượt qua buổi ban đầu ngỡ ngàng, sợ sệt, lái xe đêm chỉ có “đèn rùa” bằng ngón tay dưới gầm xe, một bên vách núi cheo leo, một bên vực thẳm hun hút, bom đạn bủa vây trước mặt, sau lưng... 4 nữ lái xe đã trưởng thành trên chính cung đường khốc liệt đó. Chứng kiến tinh thần quả cảm của đồng đội chấp nhận hy sinh, các cô gái đã nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để cùng sát cánh bên nhau trên những cung đường ác liệt, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.

Cảnh hy sinh của 3 nữ chiến sĩ Hân, Thương, Sa và Ngọc (anh trai của Châu) trên cung đường ở mặt trận; cảnh Châu về quê thăm gia đình, đồng đội; cảnh mẹ Châu đau đớn nhận tin con trai hy sinh; cảnh đốt lá thư người yêu trên mộ Thương… là những thước phim chân thực, xúc động, ám ảnh.

Chứng kiến sự khốc liệt bủa vây, đồng đội và anh trai hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, Châu đau lớn tột cùng. Con đường Châu và đồng đội đang ở phía trước, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Phút giây yếu mềm qua mau nhường cho sự mạnh mẽ, ý chí quyết tâm, lòng quả cảm. Tạm biệt gia đình, xốc ba lô, Châu tiếp tục ra chiến trường thực hiện nhiệm vụ trên những cung đường Trường Sơn khốc liệt cho hành trình chiến thắng, vững chắc niềm tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Bình minh đỏ”

Phim Bình minh đỏ là bản anh hùng ca bất diệt, giàu chất sử thi. Đó là hình tượng những chiến sĩ không sợ gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, mong ngày chiến thắng, khát vọng hòa bình.

***

Phụ trách phần âm thanh phim Bình minh đỏ là kỹ sư Hoàng Thu Thủy - giảng viên Khoa Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Chị cho biết: “Bộ phim đã thể hiện chân thực hình tượng nữ chiến sĩ lái xe ở những vẻ đẹp thuần hậu, chất phác, dung dị và anh hùng. Các cô gái tuổi 18 - 20 đi vào chiến trường khốc liệt vẫn mang vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng, hồn hậu, nữ tính… Đồng thời, các nữ chiến sĩ trưởng thành từ từng cung đường mang bao hoài bão, mơ ước, lòng dũng cảm, gan dạ, mang khát vọng, nghị lực, cống hiến… vì mục tiêu cao cả là bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cả hình và tiếng đều cố gắng thể hiện tinh thần đó. Âm thanh đã thể hiện góc nhìn, cảm nhận, tình cảm của đạo diễn về câu chuyện này".

Chú thích ảnh

"Làm âm thanh cho bộ phim, chúng tôi đã cố gắng tái tạo một không gian chiến trận. Vì thế, chúng tôi đã trao đổi với đạo diễn về tính hợp lý/logic của không gian âm thanh" - Hoàng Thu Thủy chia sẻ - "Ví dụ tạo sự xa/ gần, ít/ nhiều, to/ nhỏ của âm thanh chiến trường đối với chuyện hình ảnh... Tuy có nhiều chất liệu âm thanh đã tạo ra nhưng khi đặt các chất liệu ấy với hình ảnh, đạo diễn đã quyết định bỏ bớt bởi tinh thần thể hiện trùng lặp/ chưa phù hợp”.

Làm phim đề tài chiến tranh cách mạng rất khó. Khó bởi nhiều lẽ. Những nghệ sĩ đam mê với đề tài này thật đáng trân trọng, ngưỡng mộ. Thành công của bộ phim đã được khẳng định. Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế chính là sự ghi nhận những nỗ lực đó.

Có điều, ở vị trí khán giả, có một vài chi tiết vẫn làm tôi thực sự thấy tiếc. Giá như một vài chi tiết được đẩy lên cao hơn. Giá như cảm xúc tâm lý được đẩy tới tận cùng chạm đến trái tim khán giả. Và niềm mong phim đề tài chiến tranh cách mạng cần có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhất là với các diễn viên trẻ hóa thân vào nhân vật tái hiện không khí lịch sử của cha ông hơn nửa thế kỷ trước…

Chú thích ảnh

Bỗng hiện về trong tôi bài thơ Gửi em, cô bộ đội lái xe của Phạm Tiến Duật (trích):

... Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.
Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.

Ê-kíp làm phim “Bình minh đỏ”

Đây là bộ phim do Nhà nước đặt hàng, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện năm 2021. Thành phần sáng tạo bộ phim "Bình minh đỏ", gồm: NSND Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành trong vai trò đạo diễn. Nguyễn Thị Minh Nguyệt viết kịch bản dựa trên sự kiện Trung đội nữ lái xe duy nhất trên đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn Anh Phương đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc hình ảnh (DOP). Thiết kế mỹ thuật do NSƯT - họa sĩ Nguyễn Nguyên Vũ đảm nhận. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm trách phần âm nhạc. Hoàng Thu Thủy đảm nhận phần âm thanh… Bộ phim có sự tham gia của diễn viên nhiều thế hệ, như: NSND Quốc Trị, NSƯT Bùi Minh Phương… và đặc biệt là sự góp mặt dàn diễn viên trẻ, như: Phạm Quỳnh Anh, Phạm Bảo Hân, Hà Phương Anh, Hoàng Bích Phượng, Trần Việt Hoàng...

Phim lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Bộ phim tôn vinh những nữ chiến sỹ lái xe anh hùng và những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›