(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Ông Terrance Teis (tên thường gọi là TJ TEIS) là chuyên gia tâm lý học và là nhà sưu tầm sách cổ có tiếng tại Colorado, Mỹ. Ông cũng người biên soạn nhiều vựng tập về hội họa và sách cổ, nên khi xem tranh Lê Văn Xương, ông đã có những đồng cảm đặc biệt. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bản lược dịch bài viết của ông trong chuyên mục Sống chậm Cuối tuần, như là một kinh nghiệm thụ hưởng nghệ thuật.
1. Trong 18 tháng (tính đến hôm nay) từ khi tôi có cơ may quen biết Lê Y Lan, con gái của họa sĩ Lê Văn Xương ((1917-1988), cô đã chia sẻ với tôi nhiều tấm ảnh chụp các tác phẩm của cha mình; cô có một bộ sưu tập rất phong phú các tác phẩm này.
Bản thân cũng là một họa sĩ thật sự tài năng, cô Lê bảo đảm với tôi rằng những bức ảnh cô đã gửi cho tôi có chất lượng chính xác như các nguyên bản của cha cô. Độ chính xác của màu sắc là điều thiết yếu khi thưởng thức tác phẩm của một họa sĩ có bảng màu tinh tế, phức tạp và sáng tác bằng nhiều phương tiện khác nhau, như trong trường hợp của Lê Văn Xương.
Khi ngẫm nghĩ về những trải nghiệm và cảm tưởng của chính mình đối với những bức ảnh chụp (các tranh sơn dầu và tranh vẽ bằng chất liệu khác) của Lê Văn Xương, tôi nhận ra rằng ông đã đạt tới một trình độ độc đáo và có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử khi pha trộn các phong cách, kỹ thuật và cách sử dụng chất liệu của châu Âu và châu Á.
Khi tiếp xúc với một số tranh màu nước và tempera của Lê Văn Xương lần đầu, tôi rất ấn tượng với phong cách mang tính Âu châu và hiện thực của chúng. Chúng rất khác với những bức tranh thủy mặc theo phong cách Á châu, vốn rất phổ biến và có bán đầy ở Mỹ.
Khi được biết từ cô Lê rằng cha cô đã học tại gia, và sáng tác một cách độc lập với khoa hội họa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tôi mới hết ngạc nhiên, và càng chú ý tới cũng như hiểu thêm vị trí quan trọng của Lê Văn Xương trong lịch sử mỹ thuật.
Trong lúc đang viết bài này, tôi ước gì mình có thể đính kèm bản sao các tác phẩm cụ thể của Lê Văn Xương, mà tôi ghi khắc trong đầu và trong tim mình, nhưng không thể biến điều đó thành hiện thực. Do đó, tôi phải đưa ra những nhận định chung chung hơn nhiều trong những tham chiếu (và những cảm tưởng) so với lòng mong mỏi thiết tha khi viết về một họa sĩ và tác phẩm của ông.
Khi xem các tranh vẽ cảnh đường phố và đô thị của Lê Văn Xương, tôi rất thích thú với (những) cách thức ông sử dụng các miêu tả hiện thực đối với không gian, phối cảnh và chuyển động. Đối với những nhân vật đang bước trên phố (những ai quen thuộc với Hà Nội và Sài Gòn có thể nhận ra ngay), ông nắm bắt được sự tương tác ánh sáng, chuyển động và chất liệu của y phục (đặc biệt là áo dài và các loại nón) bằng cách sử dụng một cách sáng tạo các lớp màu trong mờ, kết hợp giữa nghệ thuật Tây phương và Đông phương.
Ngoài ra, ông còn có lối vẽ “ngay tại chỗ” nữa (“at work” hoặc “in play”), đó là cách sử dụng một cách tinh tế các mảng màu vốn chuyển tải tính chất ngay tại chỗ, khoảnh khắc sống động, trong đó [chuyển động] của nhân vật được lưu giữ theo một phong cách dường như được gợi hứng từ trường phái Ấn tượng.
Tôi rất quan tâm tới tính chất sống động này, vì nó liên quan tới “cuộc đối thoại” đa phương trong lịch sử mỹ thuật, đã diễn ra trong (các) giới mỹ thuật châu Âu, trong lúc Lê Văn Xương không theo học ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. “Cuộc đối thoại” (hay tranh luận) này bao gồm (là những tiếng vọng của) các trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, những phiên bản khác nhau của hội họa trừu tượng, trường phái biểu hiện, hiện thực và tân hiện thực.
2. Những tranh phong cảnh đô thị nhỏ và thành phố của Lê Văn Xương kết hợp một cách tài hoa phong cách hiện thực trong việc phác họa các yếu tố trong tranh với sự ngẫu hứng của một họa sĩ ấn tượng, và sự chuyển tải những cảm xúc của chính ông gắn liền với phong cách biểu hiện.
Khi quan sát và vẽ tranh của một địa điểm cụ thể vào một thời điểm cụ thể, tình yêu đối với cuộc sống mà Lê Văn Xương đang lưu giữ lại bằng phương tiện hội họa được thể hiện rất rõ thông qua sự chăm chút cẩn trọng của ông trong sáng tác.
Các ví dụ điển hình nhất về cách vẽ chăm chút này là những bức tranh trong đó Lê Văn Xương trải các lớp màu trong mờ để “nắm bắt” ánh sáng nhảy múa trên cái sườn kim loại của một chiếc xích lô, trên y phục của người đạp xích lô, chất cao su của vỏ xe, và bụi đất hay vỉa hè của một con phố.
“Nắm bắt ánh sáng” là một thôi thúc quan trọng đối với các họa sĩ biểu hiện; giá trị cao của sáng tác đặt trên việc tìm kiếm vẻ đẹp và giá trị trong cuộc sống đời thường.
Điều tương tự cũng xảy ra với những bức tranh phong cảnh Việt Nam của Lê Văn Xương. Sự tương tác của ánh sáng và gió với nước, hoa cỏ, cây cối, dù quen thuộc với tôi, có những phẩm chất khác với những phong cảnh tương tự tại đây, nơi tôi sống, trong tiểu bang Colorado. Tôi đã hỏi nhiều người bạn và đồng nghiệp Việt Nam về ánh sáng trong các bức tranh của Lê Văn Xương. Có một sự mềm mại (nhưng riêng biệt) và một độ trong trẻo bị khuếch tán trong những phong cảnh này. Các bạn tốt bụng và khoan dung của tôi đã nhắc tôi, với vẻ hơi ngạc nhiên, rằng nhiều vùng miền ở Việt Nam ở độ cao ngang mực nước biển, và độ ẩm tiêu biểu ở đó là 80% hoặc hơn. Điều này khác hẳn với độ cao của khu vực Denver, khoảng 1,6 km hoặc hơn, và độ ẩm khoảng 12% hoặc thấp hơn: ánh sáng ở đây thật sự sáng chói hơn do độ cao và không bị khuếch tán do thời tiết khô hơn.
Lê Văn Xương đã thể hiện và lưu giữ “một cái gì đó” của quê hương ông, mà chỉ sự quan tâm yêu mến mới có khả năng nhận ra và đánh giá cao.
Tôi đang ngắm nhìn và suy ngẫm về những bức tranh chân dung của Lê Văn Xương khi bắt đầu tổng hợp những “ý nghĩ từ tâm khảm” này (nói theo kiểu tâm lý học). Như với các đề tài khác của ông, Lê Văn Xương sáng tác những bức chân dung bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ sơn dầu cho tới bút chì hay chì than… Một số là tranh đặt hàng theo đúng thể thức, số khác là những tác phẩm ngẫu hứng với người mẫu, và nhiều bức vẽ các thành viên trong gia đình.
Những bức tranh chân dung của Lê Văn Xương chứng tỏ sự lão luyện của ông trong việc kết hợp các kỹ thuật hiện thực để tạo ra sự giống nhau, thể hiện và lưu giữ đặc điểm thể chất hiện tại của cá nhân vào thời điểm vẽ tranh, và những kỹ thuật nghiêng theo phái biểu hiện hơn như “ánh mắt” hay những đường nét riêng biệt của miệng, cằm, cổ và đôi vai. Một số tranh được vẽ rất sắc nét, trong khi số khác mềm mại hơn về phẩm chất và có một “cảm giác” lãng mạn ở chúng. Với tôi, dường như một số tranh chân dung thoáng vẻ u buồn: với những bức này, tôi ước gì tôi biết nhiều hơn về nhân vật trong tranh và thời điểm bức tranh được vẽ, trong lịch sử nhiều biến động của Việt Nam.
Tôi chỉ nhìn thấy vài bức khỏa thân của Lê Văn Xương. Ở những tranh này, dường như được sáng tác rất ngẫu hứng, có một sự tán thưởng đối với thể chất và vẻ đẹp phù du của chủ thể, nhưng không bao giờ thiếu một ý thức về cảm xúc và sự dễ tổn thương về thể chất. Ở những tranh này, như với các bức khác vẽ các thành viên gia đình, kỹ thuật đi từng lớp màu trong mờ để tạo sắc thái làn da giống như thật, và cách cho ánh sáng đổ xuống làn da và mái tóc của Lê Văn Xương mang tới nhiều ấn tượng nhất.
3. Khi vẽ chân dung vợ hay con gái mình, những chiều sâu mang phong cách biểu hiện của Lê Văn Xương được thể hiện rõ nét nhất.
Nhiều trong số chúng dường như được sáng tác một cách ngẫu hứng, giống như một phác thảo chơi chơi, nhưng chúng được hoàn thành với chất lượng cao. Những bức tranh này có một phẩm chất tương tác rất hiếm hoi: chúng thể hiện và lưu giữ không chỉ tình yêu của người họa sĩ đối với nhân vật, mà cả tình yêu của nhân vật đối với người họa sĩ: những biểu hiện trên nét mặt và cử chỉ chứa đựng sức mạnh trong sự cởi mở của chúng.
Lê Văn Xương đã vẽ nên những chiều sâu của tình yêu, vốn sẽ tồn tại mãi, bất chấp những biến chuyển cuộc đời có thể mang tới.
Những chân dung tự họa của Lê Văn Xương, mà cô Lê kể rằng ông sáng tác khá thường xuyên, cho thấy chủ yếu phong cách Hiện thực của ông: trong kỹ thuật và tự đánh giá. Dù rất tuyệt vời ở phương diện thể hiện sắc thái làn da và biểu cảm trên gương mặt, những tranh này không có độ mềm mại. Không có chút phù phiếm nào trong những bức tự họa này: chúng biểu hiện nỗi buồn, sự nghiêm túc và sự tự phê phán. Cho dù ông rất dịu dàng với những người ông yêu thương, ông tỏ ra rất cứng rắn với chính mình.
Tôi thường quay trở lại với những bức chân dung gia đình và tự họa nhất, và thấy rằng chúng là những bức tranh mạnh mẽ, rung động và tỏa sáng nhất. Chúng là tác phẩm của một con người sâu sắc và phức tạp. Tôi thường nhận ra mình đang suy nghĩ và cảm thấy rằng Lê Văn Xương là một trong số ít cá nhân đã từng sống mà tôi vô cùng mong ước được quen biết.
Triển lãm tranh Điều kỳ diệu (Choses Magnifiques) của Lê Văn Xương vừa diễn ra trong 3 ngày (từ 21 đến 23/9/2018) tại TP HCM. |
TERRANCE TEIS (Nguyễn Thành Nhân lược dịch)
Tags