(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 3 tháng khởi công trong hoàn cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lại vào dịp Tết trong thời tiết lạnh giá, Sân khấu Lệ Ngọc đã hoàn thành vở kịch Vang bóng một thời. Kịch bản do nhà văn Nguyễn Hiếu cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân, đạo diễn Bùi Như Lai và Sân khấu Lệ Ngọc đã mang đến cho khán giả bao cảm xúc thông điệp về cái Đẹp, Thiên lương.
Vang bóng một thời sẽ ra mắt khán giả từ ngày 23 - 24/3 tại Nhà hát TP.HCM và từ ngày 30/3 - 2/4 sẽ phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Từ tác phẩm văn học đến kịch bản sân khấu
Vang bóng một thời được Nhà xuất bản Tân Dân xuất bản lần đầu vào năm 1940, tập hợp các tác phẩm của Nguyễn Tuân đăng trong mục “Vang và bóng một thời” trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Kể từ đó, Vang bóng một thời được tái bản nhiều lần.
Cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Hiếu đã chọn 3 truyện ngắn Bữa rượu máu (hay Chém treo ngành), Những chiếc ấm đất, Chữ người tử tù cho kịch bản Vang bóng một thời. Dựa trên ba truyện ngắn cốt lõi này, tập trung chủ yếu vào Chữ người tử tù (lúc đầu in trên tạp chí Tao Đàn có tên Dòng chữ cuối cùng), nhưng khán giả sẽ cảm nhận được âm hưởng, tinh thần của kịch bản là toàn bộ Vang bóng một thời. Tập truyện tiêu biểu cho đề tài lý tưởng hóa quá khứ của nhà văn với nhiều trạng thái, có sự cô đơn, chán chường, tuyệt vọng, bế tắc, thoát ly hiện thực, hoài cổ về cái đẹp đã qua và đặc biệt là sự tiếc nuối khi “những giá trị đẹp đẽ này đang dần bị mất đi”. Nói như Vũ Ngọc Phan “những nghệ thuật cổ thanh cao…những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang”.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa đánh giá cao kịch bản bởi triết lý cái Đẹp và cái Thiên lương sẽ cứu rỗi con người của Nguyễn Tuân “đã được Nguyễn Hiếu quán xuyến đầy ám ảnh suốt bản chuyển kịch. Nguyễn Hiếu cũng rất trung thành với văn Nguyễn Tuân trong thoại kịch bởi anh biết đó chính là những hạt vàng phải hết sức gìn giữ”.
Dù được “cởi tấm lòng” như lời của đạo diễn Bùi Như Lai và nhà báo Thế Khoa, nhưng bắt tay vào viết kịch bản, nhà văn Nguyễn Hiếu không khỏi cảm thấy áp lực để làm sao chuyển tải được “những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc sắc sảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ” (Tạ Tỵ) của Nguyễn Tuân sang ngôn ngữ kịch. Anh ám ảnh lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan: “Văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để người nông nổi thưởng thức”. Khó khăn là điều không tránh khỏi.
Tác giả kịch bản chia sẻ: “Truyện ngắn của Nguyễn Tuân thường tạo cho người đọc sự ma mị nhiều chiều, trong đó nghệ thuật dựng cảnh, tạo không gian, dựng nhân vật rất độc đáo. Nhưng truyện ngắn của ông lại hầu hết có sự pha trộn của bút kì, tùy bút. Đây chính là cái khó khi chuyển thể sang kịch. Trong các truyện ngắn thì Chữ người tử tù khiến tôi thích thú và tâm đắc nhất. Bởi ở đó hàm chứa đầy đủ suy tư của Nguyễn Tuân về nhân tình thế thái và cả sự ngông ngạo của ông. Nhưng để riêng truyện này thì khó thành một kịch bản.Nên, việc hòa trộn với các truyện ngắn khác là một việc làm mang chất bếp núc của người viết kịch. Rất may 3 tác phẩm này vô tình tôi tìm ra sự bổ sung và sự đồng điệu để làm nên một kịch bản”.
Từ kiệt tác văn học đến kiệt tác sân khấu
Vốn thẳng thắn, chân thành và có cả sự khắt khe, song nhà báo Thế Khoa đã không quá lời nhận xét rằng Vang bóng một thời của Sân khấu Lệ Ngọc là “một kiệt tác sân khấu bắt nguồn từ một kiệt tác văn học”.
Sau khi nhận kịch bản, như một “kiến trúc sư”, NSƯT Bùi Như Lai đã cùng toàn bộ ê-kíp của Sân khấu Lệ Ngọc nỗ lực cao nhất, vượt qua mọi khó khăn để sáng tạo nên vở kịch từ một kiệt tác văn học.
Mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, NSƯT Bùi Như Lai đã tìm lối mở đi vào vở diễn ngắn nhất, nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất. Là một đạo diễn trẻ, Bùi Như Lai luôn lắng nghe, rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị để mỗi vở diễn có một “chìa khóa” cho thành công. Dù đã có “câu thần chú” cho “vừng mở cửa”, như một “nhạc trưởng”, đạo diễn luôn trăn trở, nấu nung nghĩ suy để chọn cách chỉ huy đạt hiệu quả cao nhất và điều quan trọng tác phẩm chạm đến trái tim khán giả. Vì thế, NSƯT Bùi Như Lai và Sân khấu Lệ Ngọc đã tìm cách xử lý thông minh cho vở diễn từ khâu chọn diễn viên, thiết kế sân khấu, trang phục, âm nhạc, hình thể…
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Văn Hải - Lệ Ngọc gạo cội thực sự “gừngcay”, đam mê sân khấu đã làm nên “thương hiệu” cho Sân khấu Lệ Ngọc khi tỏa sáng trong vai quản ngục và vai vợ quản ngục. Nghệ sĩ trẻ Anh Tuấn - Huy chương Vàng vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong vở Làm vua đã hóa thân sáng tạo nhân vật Huấn Cao - người tử tù là cả đời chỉ tôn thờ cái Đẹp, hướng tới cái Đẹp, quý trọng người yêu cái Đẹp, nhân lên cái Đẹp “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Cựu sinh viên diễn viên kịch - điện ảnh K32B, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chia sẻ: “Vai diễn Huấn Cao với em là một may mắn khi được chú Văn Hải, cô Lệ Ngọc, đạo diễn Bùi Như Lai tin tưởng giao; nhưng cũng là một vai diễn khó, lại đúng vào thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tập của đoàn. Mọi thành viên của Sân khấu Lệ Ngọc đã nỗ lực cao nhất để có thể hoàn thành được các vở. Em may mắn nhận được sự chỉ bảo ân cần của cả đoàn và tự thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều”.
NSƯT Lê Chí Kiên - Nhà hát Múa rối Thăng Long - thể hiện vai Đồ Sinh, nhạc phụ của quản ngục ấn tượng. Anh chia sẻ: “Nhân vật của em là sáng tạo của tác giả kịch bản. Tuy chỉ là một lớp kịch, nhưng là sự kiện của kịch nên làm cho viên quản ngục vốn đang mông lung giữa cái thiện và công việc đã thay đổi hẳn về bản chất. Và quan trọng nhất, sức cảm hóa về cái Đẹp từ nhân vật Huấn Cao mà quản ngục đã trở về thiên lương vốn có của mình. Thật cảm phục Nguyễn Tuân khi nhà văn đã xây dựng tình huống truyện quá đặc sắc, giàu kịch tính cho các tuyến nhân vật”.
Cảnh cho chữ được đẩy lên cao trào: “Mực đã có trong nghiên. Bút đã nằm trong tay. Đuốc hãy giơ cao. Ta viết đây”. “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván” được thể hiện trên sân khấu với hình ảnh Huấn Cao chấm bút vào khay mực, vờn bút cùng âm thanh của sấm sét, chớp giật và xiềng xích loảng xoảng; theo nét bút và hai chữ “Thiên lương” hiện lên. “Thiên lương” là phần tốt đẹp trời ban cho người.
- Sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Hà Nội
- Sân khấu Lệ Ngọc: Thông điệp ý nghĩa từ 'Cây tre trăm đốt'
Cái Thiên lương cùng cái Đẹp sẽ cứu rỗi cuộc sống hôm nay - thứ năng lượng kì diệu để vượt qua khó khăn trong cuộc đời - đã được chuyển tải trong vở diễn.
Nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ: “Tôi rất hài lòng với vở kịch. Đạo diễn Bùi Như Lai rất trung thành với kịch bản và có nhiều thủ pháp làm nổi bât những điểm nhấn của kịch bản”. Là người hiểu phong cách Nguyễn Tuân, nên ông có niềm mong: “Giá đạo diễn tạo được thêm không khí của nguyên tác truyện ngắn Nguyễn Tuân thì vở diễn đa sắc hơn”.
Là một điểm sáng của sân khấu hóa phía Bắc, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã góp phần “liên tài” một ê-kíp sáng tạo để mang đến cho công chúng món ăn tinh thần hấp dẫn và cũng là tấm lòng tri ân của văn nghệ sĩ với nhà văn Nguyễn Tuân nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của ông (10/7/1910 -28/7/1987), một nhà văn cả đời khao khát đi tìm cái Đẹp với một niềm tin bất diệt bởi cái Đẹp -Thiên lương.
Tinh thần “Vang bóng một thời” Có thể nói vì mê Vang bóng một thời, trân trọng ngòi bút tài hoa, giàu phong cách với chất ngông độc đáo của Nguyễn Tuân, mà nhà văn Nguyễn Hiếu đã dồn nén cảm xúc, chuyển chất văn sang ngôn ngữ kịch nói để làm bật lên thông điệp quan trọng: tôn vinh cái Đẹp, sự thánh thiện đặt trong những điều giản đơn tưởng chừng xưa cũ. Chính vì thế, tác giả kịch bản đãtiếp nhận trọn vẹn tinh thần trong Vang bóng một thời với Thả thơ, Đánh thơ, Hương cuội, Ngôi mả cũ, Ném bút chì, Chén trà trong sương sớm, Một cảnh thu muộn, Báo oán, Trên đỉnh non Tản để sáng tạo kịch bản cùng tên. Hiện thực hóa kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, NSƯT Bùi Như Lai đồng tình và thấy hợp lý khi tác giả kịch bản chọn 3 truyện ngắn Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất, Chữ người tử tù để kết nối vở kịch có thông điệp tôn vinh cái Đẹp, Thiên lương. Từ truyện sang kịch bản, tác giả đã rất khéo léo chọn những chi tiết quan trọng, sáng tạo một số nhân vật với mục đích làm bật hình tượng nhân vật Huấn Cao. Đây là nhân vật được nhà văn Nguyễn Tuân sáng tạo từ nguyên mẫu Cao Bá Quát, một con người hết sức tài hoa và dũng khí phi thường “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng
Tags