(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua, Ban kỷ luật VFF đã nhóm họp và đưa ra các mức án liên quan đến vòng 17. Điện một đồng nghiệp hỏi tình hình, nghe giọng mệt mỏi pha chút ức chế: “bọn em đang dài cổ chờ kết luận đây. Lúc này “tin án” đang được dư luận quan tâm nhất, không có thì hỏng bét!”.
- Bửu Ngọc phải lấy tiền túi nộp phạt
- Bửu Ngọc kêu án nặng nhưng không khiếu nại
- Treo giò Bửu Ngọc 4 trận, phạt 15 triệu đồng
Tôi nhận thức rất nhanh từ “hỏng bét” của đồng nghiệp. Tin chắc rằng chiều qua, các tờ báo thể thao đều coi kết quả xử án vòng 17 là tin đáng quan tâm nhất, cần ưu tiên cho số báo hôm nay.
Đấy thực sự là nỗi đau, khi ở một vòng đấu, lẽ ra cái đẹp, sự trung thực, trong sáng, tinh thần fair play…, phải là tính trội. Chẳng có nhà báo nào không mơ ước được sống dậy những ký ức vàng son, khán đài ngập tràn khán giả, giải VĐQG đầy rẫy các đội bóng truyền thống, để các trang báo hay và đẹp, như những siêu phẩm trên sân cỏ.
Đấy là chưa kể hôm qua, đội tuyển nữ Việt Nam ra quân ở giải vô địch Đông Nam Á, nhưng chìm nghỉm trong rừng thông tin mang sắc màu tiêu cực. Nghĩ mà bất nhẫn cho thầy trò ông Mai Đức Chung…
Đổi lại là kết thúc vòng 17, các sân cả 3 miền Bắc- Trung- Nam đều dậy sóng vì với cái xấu lên ngôi một cách đột biến. Hình ảnh trên sân xấu. Phát ngôn xấu. Hành động xấu. HLV tố trọng tài hạ sát đội bóng. Trọng tài tố HLV dùng ngôn ngữ “Đan Mạch” mạt sát Trọng tài. Trọng tài quên thẻ đỏ, đến lúc rút phạt cầu thủ phải chạy ra mượn thẻ trợ lý. Pha vào bóng quá ác của thủ môn Bửu Ngọc. CĐV Hải Phòng vây ráp dọa giết trọng tài.
Pha bóng này còn ám ảnh Bửu Ngọc và Duy Long suốt một thời gian dài.Ảnh: Dương Thu
Tất nhiên, đấy chỉ là dự báo cho những vòng tới sẽ còn phức tạp, thậm chí “vỡ trận”, ban tổ chức giải liệu có thể kiểm soát tình hình?
Đừng “thổi giá” giải chuyên nghiệp nữa
Đành rằng không phủ nhận nỗ lực của VPF, BTC giải từ đầu giải đến nay, nhưng thực tế là họ chưa đủ năng lực để tổ chức, điều hành giải đấu mà phía thành bại cũng như quyền điều hành dường như còn nghiêng về VFF.
Nếu giải chuyên nghiệp vận hành cho có, kết thúc mùa giải báo cáo tô hồng mà thực chất thì chẳng tiến bộ, thậm chí thụt lùi, gây bất bình cho khán giả, làm lãng phí quá nhiều tiền của, nên chăng giải tán V-League, hoặc tạm dừng vài ba mùa để tái cấu trúc lại giải đấu này, ưu tiên cho môn thể thao khác. Nhiều nước lớn trên thế giới bóng đá không là số 1.Trước ngày đoàn Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016, một vị lãnh đạo cấp cao của Tổng cục TDTT điện thoại cho người viết, nhờ tìm Mạnh Thường Quân tài trợ thêm cho đoàn, thấy nhói trong lòng. Nếu chúng ta bớt đầu tư cho bóng đá một phần nhỏ thôi, thì tốt cho các môn khác và cho các VĐV đỉnh cao biết chừng nào.
Đã đến lúc cần đánh giá đúng mức giải chuyên nghiệp, để mọi người ứng xử hợp lý hơn với giải đấu này, trong đó khán giả và nhà tài trợ cần thể hiện được “vị thế”, “quyền lực” của mình để buộc VFF và VPF phải lột xác. Những nhà tổ chức rất giỏi ở việc “thổi giá” cho giải, nhưng chẳng lẽ khán giả và nhà tài trợ lại có vấn đề về “mắt”, về chiến lược kinh doanh? Còn nhớ trong một Đại hội cổ đông của Eximbank, đã có ý kiến phản bác: V-League lắm tai tiếng, sao phải tài trợ nhiều tiền thế?
Ngay cả bản hợp đồng tài trợ của Toyota cho V-League hàng năm chỉ bằng 1/4 Thai League, đã cho thấy giá trị thực của giải chuyên nghiệp Việt Nam là rất khiêm tốn.
Nhân nói chuyện thổi giá, lúc đại án Phạm Công Danh đang xét xử thì dân Đà Nẵng giờ đây mới “ngã ngửa” khi biết cái sân Chi Lăng được thổi giá gấp 4 lần, quyết định sẽ phá bỏ sân “động cơ” không phải vì nguyện vọng nhân dân thành phố bên sông Hàn, mà mang hình bóng lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ. Kết quả giờ đây cái sân này khu VIP trống hoác, bão thổi bay mái che từ 3 năm nay nhưng “cha chung không ai khóc”.
Bóng đá ta mãi vẫn là trò chơi, nên người ta nhìn tiền tỷ trôi ra sông biển cứ… như chơi. Thật li kỳ khi đoạn cuối năm nào, giải chỉ nóng ở phần xử án, cùng đủ thứ nghi ngờ, thay vì chuyên môn. Nếu giải năm nay đáp đích thành công, lại phải nói câu: quá phúc cho VPF và VFF!
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Tags