Xô xát trước lễ hội thịt chó lớn nhất Trung Quốc

Thứ Ba, 23/06/2015 05:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Căng thẳng xung quanh một lễ hội ăn thịt chó tai tiếng ở Trung Quốc đã chuyển thành xô xát trong ngày 22/6, khi một số nhà hoạt động bảo vệ động vật tìm cách phản đối lễ hội đã bị những người đàn ông lạ mặt mạnh tay giải tán.

Một nhóm 10 người bảo vệ động vật đã chăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối lễ hội thịt chó bên ngoài trụ sở chính quyền Ngọc Lâm (Yulin), trước khi một nhóm khoảng 20 người đàn ông tới giật băng rôn và đuổi họ đi.

Không phải lễ hội truyền thống

Thành phố nằm ở tỉnh Quảng Tây hiện đang tổ chức lễ hội ăn thịt chó thường niên, bất chấp sự phản đối của những người yêu động vật. "Phần lớn những con vật đó đều đã bị đánh cắp khỏi chủ của chúng. Các xe tải chở thịt chó tới đây cũng đã vi phạm luật của Trung Quốc về quản lý động vật phục vụ hoạt động tiêu dùng của con người” - Adam Parascandola, thành viên tổ chức từ thiện Humane Society, đã nói trong một thông báo gửi tới giới truyền thông.

Với các thương lái buôn chó ở Ngọc Lâm, nỗ lực của các nhà hoạt động chẳng khiến họ bận tâm. Không lâu sau khi một cuộc biểu tình diễn ra tại một khu vực khác ở thành phố, các thương gia đã công khai dùng xe máy chở hàng trăm con chó mang ra chợ bán.


Những con chó mới bị giết thịt được treo lên móc để chờ khách mua ở Ngọc Lâm

Giới quan sát nói rằng lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm, nơi khoảng 10.000 con chó bị giết thịt trong mỗi lần tổ chức, thường bị hiểu lầm là một hoạt động có truyền thống lâu đời. Thực tế, lễ hội này chỉ diễn ra từ năm 2009, để mừng ngày Hạ chí.

Tuy nhiên hoạt động ăn thịt chó quả có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Ở thời kỳ đỉnh cao, dưới thời nhà Hán (202 – 220 sau Công nguyên), thịt chó được xem là đặc sản, tinh hoa ẩm thực. Tuy nhiên tới thời Tùy-Đường (581 – 907 sau CN), hoạt động ăn thịt chó đã bị xem là không phù hợp.

Ngày càng đông người yêu động vật

Bước sang thế kỷ 21, việc ăn thịt chó vấp phải sự chỉ trích mạnh từ ngay trong Trung Quốc. 3 thập kỷ bùng nổ kinh tế đã dẫn tới việc số người sở hữu thú nuôi tăng lên. Những người nuôi và yêu chó, được cho là lên tới 30 triệu người ở Trung Quốc, hiển nhiên đã chống rất mạnh hoạt động ăn thịt loài động vật này.

Theo nhóm nghiên cứu Euromonitor, trong số 130 triệu con chó của Trung Quốc, ít nhất 27 triệu con sống ở đô thị. Khi ngày càng nhiều người trẻ tới sống ở đô thị, họ cần vật nuôi làm bầu bạn để đương đầu với cảnh sống xa gia đình. Thế hệ trẻ này xem chó, mèo là những động vật có suy nghĩ, tình cảm, xứng đáng được đối xử như bầu bạn, thay vì chỉ là một món đồ ăn.

Trong bối cảnh đó, hoạt động ăn thịt chó đang dần thất thế ở Trung Quốc. Cuộc điều tra của phóng viên hãng tin CNN cho thấy Quảng Châu, một thành phố nổi tiếng vì hoạt động ăn thịt chó, mèo và động vật hoang dã, vừa mới đóng cửa một nhà hàng thịt chó đã hoạt động suốt 51 năm qua. Tương tự, hoạt động giết thịt chó dã man từng phổ biến ở các vùng ngoại ô Bắc Kinh cách nay chưa đầy 10 năm, nay đã gần như biến mất.


Cảnh tượng rùng rợn quen thuộc trong một lò mổ chó ở Ngọc Lâm

Năm 2011, nhà chức trách đã đóng cửa lễ hội thịt chó Jinghua, do vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng. Nhưng lễ hội thịt chó Ngọc Lâm vẫn diễn ra, khiến người ta tự hỏi rằng nhà chức trách sẽ còn phớt lờ ý kiến dư luận tới bao giờ.

Theo CNN, ngoài lý do đạo đức và tình cảm, hoạt động buôn bán thịt chó còn đe dọa lớn tới sức khỏe của con người. Trung Quốc hiện có số người bị mắc bệnh dại cao thứ 2 thế giới. Còn theo Bộ Y tế Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây, nơi quản lý thành phố Ngọc Lâm, có số vụ mắc bệnh dại cao thứ 2 Trung Quốc. Bản thân Ngọc Lâm cũng nằm trong nhóm 10 thành phố hàng đầu Trung Quốc về số trường hợp mắc bệnh dại.

Ngoài ra, vận chuyển chó cũng là hoạt động đối xử tàn bạo với động vật. Chó tới Ngọc Lâm từ tận tỉnh Hà Nam và Sơn Đông của Trung Quốc, cách đó hơn 1.600km. Chúng bị nhét trong các lồng thép, chật tới mức không thể ngọ ngoạy các chi. Chúng cũng không được cho ăn, uống trong nhiều ngày vận chuyển. Vì thế khi tới đích, nhiều con chó đã lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, sút cân, mất nước hoặc bỏ mạng vì thương tật và mệt mỏi.

“Đừng trộm thú nuôi của kẻ khác” là được

Chính quyền Ngọc Lâm hiện đã cố giữ khoảng cách với lễ hội thịt chó, nói rằng họ chưa từng tổ chức sự kiện nào như vậy.

“Một số cư dân Ngọc Lâm có thói quen tụ họp cùng nhau để ăn vải và thịt chó nhân ngày Hạ chí” – văn phòng báo chí của chính quyền Ngọc Lâm thông báo như vậy trên Sina Weibo – “Lễ hội ăn vải và thịt chó vào dịp Hạ chí” chỉ là một cụm từ mang mục đích thương mại và chính quyền thành phố chưa từng tổ chức một lễ hội như vậy.”

Trước việc hoạt động sát hại và ăn thịt chó vẫn diễn ra mạnh ở Ngọc Lâm, các nhà hoạt động từng nhiều lần tìm tới đây để thể hiện sự phản đối. Đôi khi họ mua những con chó để cứu chúng khỏi số phận hẩm hiu.

Ngày 21/6 vừa qua, một người phụ nữ có tên Yang Xiaoyun được cho là đã bỏ ra 7.000 NDT (1.100 USD) để cứu khoảng 100 con chó tại Ngọc Lâm. Lễ hội năm nay cũng bị cây hài người Anh Ricky Gervais bêu riếu dưới hashtag "StopYuLin2015", nói rằng người ta nên gọi sự kiện là “lễ hội tra tấn chó”.

Nhưng trên mạng Sina Weibo, không ít cư dân mạng tỏ ra thờ ơ, vô cảm. “Việc ăn thịt chó chẳng gây ra vấn đề gì” - một cư dân mạng bình luận – “Chỉ cần người ta đừng trộm thú nuôi của kẻ khác để ăn thịt là được.”

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›