Mới đây, trên MXH Việt Nam, nhiều người xôn xao trước cảnh báo: "Nếu bạn tìm được WiFi miễn phí ở Singapore. Đừng kết nối!".
Ở nhiều quốc gia, việc bạn kết nối vào một địa chỉ WiFi miễn phí khi đang đi trên đường, trên xe bus hoặc trong công viên là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, hành động này có thể xem là hành vi phạm tội ở một số nơi trên thế giới.
Xôn xao cảnh báo "Đừng kết nối WiFi miễn phí ở Singapore"
Mới đây, trên MXH Việt Nam, nhiều người xôn xao trước cảnh báo: "Nếu bạn tìm được WiFi miễn phí ở Singapore. Đừng kết nối!". Theo chủ nhân bài đăng, việc kết nối vào địa chỉ WiFi miễn phí nào đó tại Singapore được xem là hành vi xâm nhập trái phép.
Ở phía dưới bài đăng, các cư dân mạng bình luận rôm rả. Một tài khoản Facebook mang tên Q.D chia sẻ: "Cái này đúng nhé. Mình bị một lần chừa cả đời!".
Theo bạn Q.D, sau khi truy cập WiFi miễn phí ở Singapore, bạn đã bị lộ thông tin trên điện thoại, bao gồm cả thẻ và thông tin ngân hàng.
"Về Việt Nam được mấy tuần thì thẻ mình thực hiện các giao dịch lạ, dù mình không hề làm" – Q.D cho hay.
Một bạn khác có tài khoản Facebook mang tên P.Đ bình luận: "Tớ đang ở Malaysia với Singapore đây. Ai đi rồi sẽ thấy Việt Nam mình vẫn thoải mái hơn nhiều".
Tuy nhiên, một tài khoản mang tên D.B phản bác: "Đây kết nối suốt có sao đâu? 6 năm ở bên này rồi. Các trung tâm thương mại hay tàu điện ngầm đều có WiFi miễn phí hết".
Một người khác cũng đồng tình: "Tớ xài free ở Changi với mọi nơi có sao đâu?".
Thực hư thế nào?
Theo tờ Sydney Morning Herald, vào năm 2006, một cậu bé 17 tuổi mang tên Garyl Tan Jia Luo tại Singapore đã vô tư truy cập WiFi không đặt mật khẩu của nhà hàng xóm để trò chuyện trực tuyến với bạn bè.
Song, cậu không thể tưởng tượng được rằng, những gì diễn ra sau đó đã khiến vụ việc của cậu trở thành một trường hợp vô cùng đặc biệt trong lịch sử pháp lý châu Á.
Các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) và luật sư cho biết, Tan là người đầu tiên ở Singapore, và có thể là ở cả châu Á, bị kết án tại tòa vì tội "ăn cắp WiFi". Thẩm phán đã kết án Garyl Tan Jia Luo 18 tháng quản chế.
Singapore dường như đã trở thành quốc gia đi tiên phong đầu tiên trong việc kiểm soát chặt chẽ hành vi ăn cắp WiFi.
"Chưa có vụ án nào tương tự được ghi nhận ở Hồng Kông (Trung Quốc). Chúng tôi tin rằng Singapore là quốc gia tiên phong trong khía cạnh này" – Howard Lau, Chủ tịch Hiệp hội An ninh thông tin ở Hồng Kông trả lời tờ Sydney Morning Herald năm 2007.
Tại Singapore, Garyl Tan Jia Luo đã bị kết tội theo Đạo Luật Lạm dụng Máy tính ở Singapore. Trong trường hợp của mình, Tan bị quản chế, nhưng trong trường hợp khác, bản án có thể là phạt tù tới 3 năm hoặc/và đóng tiền phạt lên tới 10.000 USD.
Theo tờ Strait Times, hành vi "mượn" mang WiFi không mật khẩu của hàng xóm mà không có sự cho phép từ chủ sở hữu được xem là hành vi xâm nhập bất hợp pháp, theo Mục 6(1)(a) của Đạo luật An ninh mạng và Lạm dụng Máy tính Singapore ban hành năm 1998.
Garyl Tan Jia Luo đã phải trải qua một nửa số thời gian quản chế trong nhà 24/24. Trong 9 tháng còn lại, cậu không được phép ra khỏi nhà từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Ngoài ra, Garyl Tan Jia Luo phải thực hiện 80 giờ lao động công ích, đồng thời bị cấm sử dụng internet trong 18 tháng.
Chưa đầy 1 tháng sau khi Garyl Tan Jia Luo bị kết án, một thanh niên 21 tuổi khác cũng phải hầu tòa ở Singapore liên quan tới hành vi truy cập trái phép WiFi. Tuy nhiên, Lin Zhenghuang bị kết án 3 tháng tù giam và phạt 4.000 USD do sau khi truy cập WiFi của nhà hàng xóm, anh ta đã lên mạng đăng một trò bịp trực tuyến.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, một phát ngôn viên của cảnh sát Singapore cho biết, họ "không theo dõi cụ thể các hành vi phạm tội liên quan đến WiFi" nhưng sẽ "điều tra bất cứ cáo buộc tội phạm nào khi nhận được báo cáo".
Ví dụ như trong trường hợp của Garyl Tan Jia Luo, cậu đã bị bắt sau khi có khiếu nại được gửi tới cảnh sát. Các tài liệu của tòa án cho biết có một người qua đường đã gọi cảnh sát vì nghi ngờ cậu thiếu niên đang ngồi bên đường sử dụng máy tính xách tay vào đêm khuya có hành vi truy cập WiFi trái phép.
Nhiều người "dùng chùa' WiFi coi hành động của mình là vô hại, trong khi những người khác không hề có suy nghĩ rằng họ đang phạm tội.
"Nhận thức phổ biến nhất là hành vi phạm tội này không có nạn nhân, vì 'nạn nhân' chỉ bị chậm internet một chút mà thôi" – Một chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, lưu ý rằng, chỉ có các trường hợp sử dụng "WiFi không đặt mật khẩu" của người khác khi chưa được phép mới bị xử phạt. Nếu bạn đi tới các trung tâm thương mại, sân bay, ga tàu, bảo tàng… có hệ thống WiFi công cộng của nơi đó, bạn vẫn có thể truy cập và sử dụng.
Theo Strait Times, với các mức phạt như trường hợp của Garyl Tan Jia Luo, bạn nên tới Starbucks để dùng WiFi miễn phí còn hơn là truy cập vào mạng của người khác.
Đáng nói, không chỉ ở Singapore, theo AtlasVPN, những người chiếm dụng WiFi ở Anh, Ý, Hồng Kông hay Canada đều có thể bị xử phạt, tùy thuộc vào quy định mỗi nước/vùng lãnh thổ.
Về vấn đề truy cập WiFi miễn phí và bị lộ thông tin như bạn Q.D phản ánh ở trên thì không chỉ ở Singapore mà tại bất cứ nơi đâu, việc truy cập WiFi miễn phí cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phương thức phổ biến của tin tặc là gửi virus và phần mềm độc hại qua mạng WiFi. Người dùng mạng công cộng có chứa phần mềm độc hại có thể sẽ tự động tải chúng xuống thiết bị của họ, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm mạng có cơ hội khai thác dữ liệu.
Tags