(Thethaovanhoa.vn) - Thị trường quần áo đã qua sử dụng đang phát triển mạnh mẽ và trở thành nhân tố định hình lại ngành công nghiệp thời trang thế giới trong thời gian tới.
Theo một báo cáo mới đây, giá trị của thị trường quần áo cũ tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gấp hơn ba lần trong 10 năm tới lên mức 80 tỷ USD vào năm 2029, trong tổng giá trị thị trường thời trang nói chung của nước này là 379 tỷ USD.
* "Thời trang nhanh" thất thế
Thị trường quần áo cũ bao gồm hai loại chính, cửa hàng bán quần áo đã qua sử dụng và nền tảng bán lại trực tuyến. Quần áo đã qua sử dụng từ lâu đã bị coi là những đồ cũ và hoen ố, chủ yếu được những người săn tìm hàng giá rẻ và thích đồ "độc" lựa chọn. Tuy nhiên, nhận thức này đã thay đổi, và giờ đây nhiều người tiêu dùng coi quần áo cũ có chất lượng tương đương hoặc thậm chí cao hơn quần áo mới. Xu hướng "fashion flipping" – mua quần áo cũ rồi bán lại – cũng đã xuất hiện, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ.
Thị trường quần áo cũ trỗi dậy có khả năng làm thay đổi đáng kể sự bùng nổ của thời trang nhanh - một mô hình kinh doanh đặc trưng bởi các loại quần áo giá rẻ và dùng một lần xuất hiện vào đầu những năm 2000, với các thương hiệu thời trang như H&M và Zara đi tiên phong. Thời trang nhanh phát triển theo cấp số nhân trong hai thập niên tiếp theo, làm thay đổi đáng kể thị trường thời trang bằng cách sản xuất nhiều quần áo hơn, phân phối nhanh hơn và khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn với giá thành sản phẩm thấp.
Trong khi thời trang nhanh dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 20% trong 10 năm tới, thời trang đã qua sử dụng đã sẵn sàng với tăng trưởng 185%. Các nhà nghiên cứu về tiêu thụ quần áo và tính bền vững cho rằng xu hướng tiêu thụ quần áo cũ có khả năng định hình lại ngành công nghiệp thời trang và giảm thiểu những tác động bất lợi của ngành này tới môi trường trên toàn cầu.
* Thiên thời địa lợi
Nhờ nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng và các nền tảng kỹ thuật số mới như Tradesy và Poshmark đã tạo điều kiện cho việc trao đổi quần áo hàng ngày, thị trường bán lại quần áo trực tuyến đang nhanh chóng trở thành "thế lực" lớn mới trong ngành thời trang.
Thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng rất tiềm năng. Các nhà bán lẻ như The RealReal hoặc Vestiaire Collective đã cung cấp những nền tảng kỹ thuật số để kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng nhưng được đảm bảo về nguồn gốc và độ tin cậy của sản phẩm. Đây là nơi mọi người mua và bán các nhãn hàng thiết kế cao cấp như Louis Vuitton, Chanel và Hermès thường xuyên tìm đến.
Xu hướng quần áo cũ cũng được thúc đẩy bởi khả năng chi trả, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng không chỉ giảm tiêu thụ các mặt hàng không cần thiết như quần áo, mà còn mua hàng may mặc chất lượng hơn những trang phục rẻ tiền, dùng một lần.
Trong khi đó, đối với những người bán lại quần áo đã qua sử dụng, sự suy thoái kinh tế đang diễn ra cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của con người đến tính bền vững của môi trường đã đem lại cho họ cơ hội kinh doanh tuyệt vời.
- Họa sĩ Võ Trân Châu và triển lãm 'khủng' từ... quần áo cũ
- Novak Djokovic: Tôi hay làm từ thiện quần áo cũ
- Robert Pattinson thường xuyên phải mặc quần áo cũ
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thị trường đồ cũ có thể khuyến khích tiêu dùng dư thừa do mở rộng khả năng tiếp cận với quần áo giá rẻ. Kết quả khảo sát những phụ nữ trẻ người Mỹ thường xuyên sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như Poshmark cho thấy, họ xem quần áo cũ là một cách để tiếp cận hàng hóa rẻ và những thứ mà họ thường không thể mua được. Họ không coi đó là một mô hình tiêu dùng thay thế hoặc một cách để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất quần áo mới.
Dù động cơ của người tiêu dùng là gì, việc tăng cường tái sử dụng quần áo là một bước tiến lớn đối với một trạng thái "bình thường mới" trong ngành thời trang, mặc dù tiềm năng để giải quyết các vấn đề về tính bền vững của nó vẫn cần phải kiểm chứng.
Minh Trang/TTXVN
Tags