Trước khi tìm hiểu về việc tại sao có sự thay đổi đó thì trước tiên chúng ta có thể quay lại giai đoạn từ khoảng 5 - 6 năm về trước. Khi đó, niềng răng chỉ là một trong những phương pháp được sử dụng dành cho những ai đang có vấn đề về răng hoặc hàm và chỉ những người thật sự bị nghiêm trọng họ mới lựa chọn sử dụng vì niềng răng mang đến quá nhiều "rủi ro" như chi phí cực kỳ đắt đỏ hay gây nên những cơn đau buốt. Tuy nhiên, một trong những lý do phổ biến mà ai cũng e ngại kho đó chính là sợ xấu và gây nên những cản trở trong đời sống thường ngày hoặc khi giao tiếp.
Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đều đã thay đổi. Người ta bắt đầu chủ động tìm đến các trung tâm, bệnh viện để được niềng răng với muôn vàn lý do ở 5 - 6 năm về trước chắc chẳng ai ngờ tới...
Muốn niềng răng vì gia tăng sự tự tin
Trong bài phỏng vấn với Bác sĩ Anna Trần - kiêm Founder & CEO của Platinum Dental Group từng chia sẻ về vấn đề này rằng: "Trong những năm gần đây, khi xã hội phát triển, các vấn đề về giao tiếp mới dần được chú trọng. Mọi người có thể thấy rõ nhất là với những người làm ngành dịch vụ thường xuyên phải tiếp xúc, trò chuyện với khách, hay những người làm ngành giải trí phải luôn tạo được diện mạo tự tin và gây thiện cảm với mọi người dù xuất hiện ở đâu.
Cũng vì vậy mà hiện nay, có không ít người đặc biệt là chị em phụ nữ, sau khi thỏa mãn được nhu cầu về làm đẹp ngoại hình, họ bắt đầu có xu hướng "học lại cách cười" để gia tăng sự tự tin lẫn thần thái cho bản thân".
Và hiện nay, không chỉ những người làm các lĩnh vực dịch vụ, mà bất cứ ai có nhu cầu được giao tiếp, xuất hiện trên mạng xã hội cũng muốn cải thiện bản thân, chú trọng diện mạo để thuận lợi cho việc thiết lập các mối quan hệ lẫn công việc, điển hình như: Giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, người làm ngoại giao,... đến chị em văn phòng cũng không ngoại lệ.
“Lúc mới lên đại học, mình hăng hái nhận vai trò thuyết trình cho nhóm. Nhưng mỗi lần nghe các bạn nhóm khác lên trình bày, mình bắt đầu có chút tự ti, nhiều khi đứng lên bục cảm thấy bị lép vế. Đặc biệt khi chụp hình nhóm thì lúc cười bị hở lợi, nhô ra hàm răng khấp khểnh, mình tự cảm thấy lạc lõng”, Thu Phương hiện đang làm trong lĩnh vực truyền thông kể.
Theo đuổi ngành báo chí, Thu Trang cũng muốn thử sức trong vai trò MC. “Mình đã dành thời gian để luyện rất nhiều về kỹ năng xử lý tình huống, đứng trước đám đông, biên tập và dẫn chương trình. Nhưng có một điều là đôi khi phát âm không được tròn vành, rõ chữ, dù mình luyện khá nhiều. Sau đó, đi khám thì ngoài sâu răng, khớp răng của mình còn bị lệch so với khuôn, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên”.
“Nhìn thoáng qua, phía răng trước của mình khá nhỏ và đều nhau. Thế nhưng, các bạn không biết rằng phần răng hàm bên trong của mình lại mọc theo cung rộng, khiến gương mặt không cân đối với người. Vì thế mình luôn muốn tìm cách nào đó làm thon gọn nhất có thể”, Phương Dung, làm trong ngành sư phạm cho hay.
Dù là phương pháp thẩm mỹ nhưng niềng răng sẽ không làm thay đổi hoàn toàn nhan sắc vốn có. Mà các nha sĩ chỉ là sử dụng lực kéo để làm sao đưa răng về đúng vị trí, khuôn hàm tự nhiên nhất. Thế nên, thay vì phải vắt tay lên trán suy nghĩ thiệt hơn của các biện pháp “dao kéo” như tiêm botox hay gọt hàm thì nhiều chị em đã nghĩ tới chuyện niềng răng.
Cái nhìn thiện cảm hơn về những vật kim loại "thô" và xấu giờ như món "trang sức" giúp bản thân tỏa sáng
Khi nhu cầu và mục đích thay đổi thì rõ ràng việc niềng răng cũng trở nên tích cực hơn trong mắt nhiều người. Ở đây không tính đến các trường hợp buộc phải niềng răng vì bệnh lý đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe dù bản thân không thích mấy. Thì với những người ở thế chủ động, chọn niềng răng để cải thiện răng, hàm như chỉnh hô, móm hoặc muốn có hàm răng đều và khít hơn lại là một câu chuyện hoàn toàn đáng để nhìn nhận theo chiều hướng tích cực.
Thu Phương trước và sau khi niềng răng, giờ đây đã tự tin hơn rất nhiều với chính nụ cười của mình.
Bắt đầu niềng răng từ tháng 10/2019, chỉ sau một năm, Thu Phương đã nhận thấy sự thay đổi. Tận tháng 1/2022 mới tháo mắc cài nhưng cô đã mạnh dạn khoe nụ cười từ trước đó nhiều tháng.
“Bây giờ mình không còn ngại cười khi chụp ảnh nữa, cười nhiều hơn, cảm thấy thoải mái hơn hẳn trong công việc, cuộc sống”, Phương nói.
Còn Thu Trang, dù chưa hết thời gian chỉnh răng nhưng cô đã bắt đầu quen với nhan sắc mới, răng vào khuôn hơn nên gương mặt bầu bĩnh mà không sưng. “Bạn bè và nhiều đối tác đã phải ngỡ ngàng sau mấy tháng không gặp mình. Chưa có thời gian để ngồi nhìn lại hành trình nhưng dạo này mình nhận được thêm nhiều job dẫn chương trình, đọc voice cho các sự kiện, công ty. Cũng nhờ thế mà lại có thêm tiền để đầu tư cho nụ cười”.
“Đến thời điểm hiện tại, ngắm mình trong gương với nụ cười sáng láng, mình cảm thấy quá trình ê ẩm, đau buốt trước kia không hề phí hoài”, Phương Dung chia sẻ.
Và nhìn chung, cả Phương và Trang đều thấy quá trình niềng răng trôi qua một cách cực kỳ êm đẹp. Họ đều thừa nhận không hề có chút tự ti nào với mấy cây kim loại đính trên răng, thay vào đó người niềng răng lại càng phải tự tin hơn vì sau đó cái họ nhận lại được là sự thay đổi vô cùng tích cực cho bản thân khi sở hữu nụ cười đẹp hơn với trước kia.
Điều này cũng từng được Bác sĩ Anna Trần chứng minh rằng: "Qua quá trình nghiên cứu về nha và nụ cười, tôi cũng từng được xem rất nhiều nghiên cứu quốc tế, ví dụ như một nghiên cứu vào năm 1985 đã chứng minh rằng, người sở hữu nụ cười đẹp thường là những người tử tế, có điều kiện thuận lợi về nhiều khía cạnh trong xã hội. Đến năm 2007, một nghiên cứu khác tiếp tục chứng minh một nụ cười không đẹp, không tươi sáng có thể là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý của con người. Vì thế, nếu nói về chuyên môn, câu chuyện về “nụ cười” trong đó hàm răng đóng vai trò quan trọng từ lâu đã không còn quá xa lạ hoặc quá mới mẻ trong nha khoa cũng như theo xu hướng chung của quốc tế. Và đến nay, ý thức về điều này cũng đã bắt đầu thể hiện rõ hơn trong cuộc sống thường ngày, trong các lĩnh vực và nghề nghiệp khác nhau khi mọi người ngày càng quan tâm đến răng miệng và hiệu chỉnh nụ cười của mình".
Nhưng "cái giá" phải trả cũng không hề ít
Khi chọn niềng răng ở độ tuổi 18 - 20 trở lên, lúc này, khuôn hàm của con người hầu hết đã trưởng thành nên để có thể gắn mắc cài và dịch chuyển cũng cần tốn tốn công so với các trường hợp can thiệp từ nhỏ. Do đó, đa phần các ca chỉnh răng cho người trưởng thành đều được chỉ định kéo dài từ 2 - 3 năm.
Kéo theo đó là một khoản không hề nhỏ. Tham khảo bảng giá, chi phí gắn mắc cài kim loại, pha lê hay trong suốt có thể dao động từ 25 triệu đồng đến 45 triệu, 50 triệu đồng. Và lên đến 70 triệu đồng, thậm chí 120 triệu đồng nếu làm khay trong suốt.
Điều đó có nghĩa rằng thời gian để bạn cải thiện một hàm răng là không hề ngắn. Kéo theo là các khoản chi phí tương đối cao nếu bạn không có nguồn tài chính tương đối hoặc không có sự hỗ trợ.
“Bố mẹ mình không đồng ý vì sợ sau này răng sẽ yếu, mình đã tranh luận suốt 2 tháng trời. Thế nên sau cùng mình quyết định tự bỏ tiền, chọn làm mắc cài sứ để tiết kiệm một chút ít. Mình ấp ủ dự định từ năm 2 đại học, cho đến năm cuối, vừa đi làm, vừa đi học. Ngày có được một cuốn sổ tiết kiệm 25 triệu đồng, mình mang đi niềng răng hết. Thi thoảng ăn đồ cứng, làm vỡ mắc cài, phải đi gắn lại ở vị trí vỡ đó còn tốn thêm 500.000đ mỗi lần, xót lắm. Tận sau một năm mới quen và ít vỡ hơn nhưng nghĩ về những điều nhận lại được sau đó nên mình vẫn quyết tâm, xem như là khoản đầu tư cho bản thân trong tương lai, giúp ích cho công việc”, Phương cho biết.
Chi phí niềng răng của Thu Trang rơi vào khoảng 35 triệu - 40 triệu đồng. Nhưng số tiền này sẽ được chia nhỏ thành nhiều phần và chỉ cần trả trước gần 10%. "Nhưng để chi cho các khoản cần thiết khác trong cuộc sống thì mình cũng phải cân đối. Nói không ngoa chứ nếu không duy trì công việc ở hai nơi cùng một lúc thì mình cũng gặp khó khoản tài chính. Cũng không thể chỉ niềng răng mà bỏ qua những thứ khác được, chỉ là mình ưu tiên cái gì hơn”, Trang nói. Cách chia nhỏ để trả dần như thế này đang được nhiều cơ sở nha khoa áp dụng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho chị em, để ai cũng có cơ hội "làm đẹp" nụ cười.
Ngoài ra, để vệ sinh răng miệng trong thời gian niềng, cần trích riêng một khoảng để tự đầu tư cho máy tăm nước, nước súc miệng chuyên dùng, bàn chải điện. “Tùy vào điều kiện của mỗi người, mình chỉ chọn mức tầm trung, khoảng 1 triệu đồng cho tất cả thôi”, Phương chia sẻ.
Tags