(Thethaovanhoa.vn) - Vương quốc Anh là một trong những nước có chỉ số an toàn giao thông đường bộ cao hàng đầu thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm tại Anh, tỉ lệ người tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trên 100.000 dân là khoảng 2,9. Số liệu chính thức của Anh năm 2017 cũng cho thấy có khoảng 1.800 người chết vì tai nạn giao thông trong tổng dân số 66 triệu.
Dù xét theo tiêu chí số người tử vong trên tổng dân số, hoặc tiêu chí số lượng phương tiện giao thông đường bộ hay tổng chiều dài quãng đường di chuyển, Anh vẫn là nước có hệ số an toàn giao thông đường bộ cao thứ hai châu Âu (chỉ sau Thụy Điển) và cao thứ ba thế giới. Thành tích này là kết quả của thực tế Anh có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ phát triển hàng đầu thế giới, tiêu chuẩn an toàn phương tiện rất cao cùng bộ luật giao thông đường bộ rất chặt chẽ và nghiêm khắc.
Chỉ số an toàn giao thông đường bộ của Anh càng trở nên đặc biệt ấn tượng nếu biết rằng “xứ sở sương mù” có truyền thống bia rượu dẫn đầu thế giới cả về số lượng hàng quán bia cũng như số lượng lạm dụng đồ uống có cồn đến mức say xỉn. Số lượng quán pub (quán rượu) truyền thống tại Anh đang giảm mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn khoảng trên dưới 48.000 quán chỉ riêng tại hai xứ England và Wales. Tại nhiều thành phố và thị trấn của Anh, cứ trung bình khoảng 1.000 người dân lại có một quán pub. Một khảo sát quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vừa công bố cho thấy, người trưởng thành ở Anh đứng đầu thế giới về tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn đến say xỉn ở mức độ khác nhau, với trung bình hơn 51 lần/năm, tức trung bình hầu như mỗi người lớn tại Anh đều say rượu bia ít nhất một lần/một tuần trong cả năm, cao gần gấp đôi mức trung bình 33 lần/năm của 36 quốc gia được khảo sát. Thực tế là số lượng người sử dụng bia rượu tại Anh đang giảm mạnh trong những năm gần đây do xu hướng “nói không” với đồ uống có cồn của thế hệ thanh niên, nhưng vị trí “đầu bảng” toàn cầu về bia rượu hiện tại của Anh nhiều khả năng sẽ vẫn còn được giữ vững trong nhiều năm tới.
Với “truyền thống bia rượu” không thua ai như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ năm 1872, Anh đã là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật về cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng bia rượu. Các quy định về hạn chế, xác định, xử phạt đối với tình trạng uống rượu lái xe tại Anh được cập nhật, sửa đổi và bổ sung liên tục gần như hằng năm suốt từ đó đến nay, giúp nước Anh có hệ thống luật pháp và quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc và bài bản nhằm giảm thiểu tình trạng uống rượu lái xe. Tại Anh, mỗi khu vực lại có quy định khác nhau về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi sử dụng phương tiện giao thông. Tại các xứ England và Wales, giới hạn nồng độ cồn cho lái xe là 80mg/100ml máu, 35mg/100ml hơi thở hoặc 107mg/100ml nước tiểu. Tiêu chuẩn tại Scotland thì cao hơn, tương đương với hầu hết các nước châu Âu cũng như trên thế giới, ở mức chỉ cần 50mg cồn trong 100ml máu là đã vi phạm.
Muốn sở hữu một tấm bằng lái xe thì tất cả người học phải vượt qua một kỳ thi lý thuyết gắt gao, với rất nhiều câu hỏi xoay quanh những quy định và mức phạt nghiêm khắc nếu uống rượu lái xe. Phát hiện và xử lý người uống rượu lái xe là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng cảnh sát Anh. Trung bình mỗi năm tại Anh có trên 85.000 lượt lái xe bị xử lý và truy tố vì vi phạm quy định về uống rượu lái xe. Chỉ cần bị kết luận lái xe hoặc tìm cách lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là người sử dụng và điều khiển phương tiện giao thông tại Anh có thể phải ngồi tù đến 6 tháng, bị phạt tiền lên đến 5.000 bảng (gần 6.500 USD), và bị treo bằng lái ít nhất 1 năm (có thể tăng lên 3 năm nếu vi phạm hai lần trong vòng 10 năm). Với những người bị nghi sử dụng bia rượu khi đang lái xe nhưng “ngoan cố” không chịu cung cấp mẫu thử nồng độ cồn trong máu, hơi thở và nước tiểu, thì cũng phải đối mặt với mức phạt nghiêm khắc giống như trên. Còn đối với các trường hợp gây tai nạn chết người do lái xe trong tình trạng say rượu, người vi phạm có thể phải chịu án tù lên đến khung cao nhất là 14 năm, bị phạt tiền không giới hạn và bị cấm lái xe trong vòng ít nhất 2 năm. Ngay cả khi muốn lái xe trở lại thì cũng phải vượt qua một kỳ thi cấp bằng đặc biệt dành cho những người đã có lý lịch “bất hảo” về uống rượu lái xe.
Sau khi chấp hành xong các án phạt hành chính và hình sự, người vi phạm quy định uống rượu lái xe còn phải chịu nhiều án phạt dân sự đánh vào các lợi ích kinh tế khác trong nhiều năm tiếp đó, như chịu mức mua bảo hiểm xe cao đáng kể so với mặt bằng chung, người làm nghề lái xe hoặc vận tải chuyên nghiệp sẽ bị lưu lý lịch vi phạm trong hồ sơ làm việc. Anh còn chia sẻ thông tin vi phạm của những người này với một số quốc gia đồng minh thân cận khác như Mỹ, Australia… để ngăn chặn người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông khi đến các nước đó. Các cơ quan chức năng tại Anh khuyến cáo người dân về nhà bằng các phương tiện khác nếu đã uống rượu bia, dù chỉ là một chút vì ảnh hưởng của cồn đối với mỗi người rất khác nhau và có những người chỉ cần “nhấp môi” cũng đã đủ vượt mức vi phạm. Thậm chí, ở Anh việc uống say nằm ngủ trong xe chờ tỉnh cũng bị nghiêm cấm tuyệt đối và bị xử lý không khác gì uống rượu lái xe.
Tất cả những quy định và biện pháp chặt chẽ, đồng bộ như trên đã giúp khắc phục đáng kể tình trạng uống rượu lái xe tại Anh trong vòng 10 năm qua. Số liệu của Bộ Giao thông Anh cho thấy số người chết và bị thương vì các vụ tai nạn liên quan đến uống rượu lái xe tại Anh đã giảm 28% từ 12.030 ca trong năm 2009 xuống còn 8.660 vụ trong năm 2017. Tuy nhiên cũng đáng lưu ý là tỷ lệ người chết trong các vụ tai nạn liên quan đến bia rượu lại có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây (chiếm 16,2% trong tổng số ca thương vong vì tai nạn bia rượu lái xe trong năm 2017, so với mức 13,8% trong các năm 2015 và 2016). Trong khi đó số liệu trung bình của Tổ chức Y tế Thế giới lại chỉ ra rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra 13% số ca tử vong trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Anh trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây là mức thấp cao thứ nhì châu Âu và thế giới, chỉ sau Đức - ở mức 7%. Có thể nói mặc dù có một văn hóa bia rượu ở mức đáng báo động, vấn nạn uống rượu lái xe ở Anh vẫn được kiểm soát rất tốt so với hầu hết các nước châu Âu và thế giới, nếu biết rằng đồ uống có cồn là nguyên nhân của khoảng trên 30% số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại Pháp, Bồ Đào Nha và Ireland, Mỹ, Canada…
Mặc dù uống rượu lái xe không còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các vụ tai nạn giao thông tại Anh, dư luận nước này vẫn ủng hộ mạnh mẽ những đề xuất thắt chặt hơn nữa các quy định liên quan. Bộ Giao thông Anh đang xem xét đề xuất áp dụng hạ thấp mức quy định về nồng độ cồn được coi là vi phạm tại hai xứ England và Wales xuống còn 50mg/100ml máu giống như Scotland và hầu hết các nước châu Âu khác. Các mức phạt cũng đang được xem xét tăng thêm đối với những trường hợp tái phạm, trong bối cảnh có hơn 8.000 lái xe tại Anh bị bắt quả tang và xử lý vì tái phạm quy định liên quan đến rượu bia 2 lần trong vòng 5 năm, thậm chí gần 500 trường hợp vi phạm đến 3 lần. Những sửa đổi này được hy vọng sẽ cải thiện hơn nữa chỉ số an toàn đường bộ của nước Anh. Tình trạng sử dụng bia rượu khi lái xe vẫn được xem là một trong những yếu tố khiến nước Anh hầu như không giảm được tỷ lệ tử vong trong tổng số các vụ tai nạn giao thông thời gian qua. Mặt khác, thực tế so sánh giữa Scotland và các khu vực còn lại tại Anh cho thấy bản thân việc thắt chặt luật pháp về uống rượu lái xe thông qua quy định hạ thấp nồng độ cồn trong máu lái xe cũng hầu như không có tác dụng giảm bớt số vụ tai nạn và số người chết, nếu không kết hợp với các giải pháp triệt để khác, đặc biệt là yêu cầu tăng đầu tư về con người và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát tuần tra để nâng cao hiệu quả giám sát, theo dõi, phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm các trường hợp uống rượu lái xe trước khi kịp gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuấn Anh - Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh
Tags