(Thethaovanhoa.vn) - Tại “hội chợ tranh” Tết Art 2016 (đang diễn ra tại Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên, Hà Nội từ 21/1 - 4/2), người xem sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những bức ký họa hiếm gặp của các cây đại thụ trong lịch sử mỹ thuật VN như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…
- Triển lãm tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sau hơn 30 năm
- Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu
- 'Phố Tô Tịch' của Bùi Xuân Phái trở lại sàn đấu giá ở Singapore
Thông thường, các bức ký họa được các họa sĩ sáng tác với mục đích dành tặng những người thân quen hoặc bạn bè mình. Hiện tại, bức ký họa vẽ năm 1987 của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái chưa xác định được nguyên mẫu.
Ký họa vẽ năm 1987 của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái
Tương tự, đó là trường hợp bức ký họa với dòng đề tặng “Mến tặng cháu Mai Hạnh” của cố họa sĩ Nguyễn Sáng, vẽ năm 1963.
Ký họa "Mai Hạnh" của cố họa sĩ Nguyễn Sáng được vẽ năm 1963
Còn trong bức ký họa vẽ năm 1987 của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nguyên mẫu đã được xác định: đó là phu nhân của nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Bà cũng là mẹ của chị Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ nhân của hệ thống Mai’s Gallery vốn rất quen thuộc với giới hội họa.
Ký họa vợ dịch giả Dương Tường, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1987
Cùng với cố danh họa Dương Bích Liên, cả 3 họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái hợp thành “bộ tứ” Nghiêm – Liên – Sáng – Phái nổi tiếng của Mỹ thuật VN.
Do một số lý do khách quan, tác phẩm của danh họa Dương Bích Liên chưa kịp tham gia trưng bày tại triển lãm này. Bù lại, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái có tới 2 tác phẩm được trưng bày. Tác phẩm thứ 2 này thực hiện năm 1975, là ký họa một gương mặt cũng rất nổi tiếng trong giới âm nhạc và mỹ thuật: cố nhạc sĩ Văn Cao.
Ký họa Văn Cao được Bùi Xuân Phái vẽ năm 1975
4 bức ký họa độc đáo này hiện thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Minh, và được đưa tới Tết Art 2016 để trưng bày phục vụ người xem.
Ngoài ra, Tết Art 2016 còn có hơn 200 tác phẩm của các nghệ sĩ đương quen thuộc như Đinh Quân, Thành Chương, Lê Huy Tiếp, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa, Hà Chí Hiếu, Trần Huy Oánh…
"Thiếu nữ", tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Huy Oánh
Khác với 4 bức ký họa, các tác phẩm còn lại đều có thể được bán cho khách mua tranh. Mức giá bán khá đa dạng, dao động từ 25 USD tới trên 10.000 USD, đúng nghĩa với một "chợ tranh Tết".
"Đêm mùa hạ" của họa sĩ Đinh Quân, một trong những bức tranh có giá cao nhất tại Việt Art 2016
Theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, người đứng ra tổ chức sự kiện, Việt Art 2016 là "chợ tranh" lấy cảm hứng từ nét đẹp truyền thống đi sắm tranh chơi Tết vào dịp xuân về của người Việt Nam. Hiện tại, khi thị trường tranh trong nước tương đối trầm lắng, Tiến hi vọng sự kiện này sẽ là một sân chơi ổn định hàng năm để tạo sự kết nối giữa khách mua tranh và người bán, giữa các họa sĩ với những chủ gallery uy tín hoặc các nhà sưu tập nghệ thuật.
Đây là lần thứ 2, Việt Art được tổ chức sau lần đầu tiên vào tết 2015.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến, người tổ chức Tết Art 2016
Dù mong muốn này sẽ cần thêm khá nhiều thời gian để thành hiện thực, kết quả ban đầu của Tết Art 2016 là tương đối tích cực. Đến thời điểm này, đã có khoảng 3000 lượt khách tới đây.
Phía tổ chức cũng đã bán được khoảng trên 30 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm với mức giá khá cao.
Cúc Đường
Tags