(Thethaovanhoa.vn) - Xiếc thú luôn là loại hình được khán giả yêu mến, đặc biệt là với trẻ em. Nhưng để các con vật trở thành những nghệ sĩ của sân khấu tròn là không hề đơn giản.
- AFA khuyến nghị về xiếc thú: Những cảnh báo 'gây sốc'
- Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ giảm xiếc thú hoang dã
- Về việc 'cấm biểu diễn xiếc thú' ở Việt Nam: AfA không hẳn là vô lý
Chỉ tính riêng ở Rạp Xiếc Trung ương, hàng ngày có 20 nhân viên chuyên dọn dẹp vệ sinh chỗ ăn, ở cho các con vật. Ngoài ra còn có bộ phận thú ý "đóng đô" ngay tại Liên đoàn, bộ phận chuyên nấu ăn cho con thú theo thực đơn đã được lãnh đạo ký duyệt.
Tất cả đều vì một mục đích còn quan trọng hơn cả biểu diễn, đó là đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con thú...
Được ăn ngon, ở đẹp và "du lịch" nghỉ dưỡng
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, (TTXVN), ông Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, (người vẫn được công chúng yêu mến gọi là "Thạch Sanh" bởi "đặc sản" xiếc trăn) cho biết: từ những năm đầu thế kỷ 20, cụ Tạ Duy Hiển, người có công sáng lập ngành xiếc Việt Nam đã dựng những tiết mục xiếc thú như cưỡi ngựa đánh đàn, voi quắp rìu gõ trống. Cụ Hiển nổi tiếng là người chăm sóc và huấn luyện các loài khỉ, chó, gấu, hổ, sư tử, voi, ngựa... thành những động vật biết diễn xuất.
Trong lịch sử hơn 60 năm của mình, xiếc Việt Nam đã có những tiết mục xiếc thú mang tính đặc thù riêng và ít nước có. Sân khấu tròn đã trở nên quá quen thuộc với những loài động vật như voi, gấu, lạc đà, ngựa "Một thời gian chúng ta sở hữu đoàn xiếc khỉ mà rất nhiều nước trên thế giới thích" - ông Thắng kể - "Sau này, trong một dịp giao lưu văn hóa, đoàn Mông Cổ đã đổi cho chúng ta một đàn ngựa 8 con rất đẹp để lấy đàn khỉ, đặng mang về nước phát triển tiết mục phục vụ công chúng".
Về điều kiện sống của động vật tại rạp xiếc, ông Thắng khẳng định hiện tại cơ sở hạ tầng cho các con thú là tốt nhất, được chăm sóc chu đáo hơn rất nhiều so với trước đây. "Chúng tôi có bác sĩ thú y luôn túc trực để chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của con thú. Điều này hẳn trong tự nhiên không thể có. Nhiều con thú khi mang về đây trong tình trạng bệnh tật, thậm chí là chờ chết chúng tôi cũng đã cứu sống, chăm sóc tận tình" – ông Thắng nói. "Thứ nữa, chúng tôi có nhà bếp, hệ thống nấu ăn không khác gì nhà bếp dành cho người với thực đơn, khẩu phần được tính toán kỹ lưỡng."
NSƯT Tạ Duy Nhẫn, nguyên Trưởng đoàn Xiếc thú (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) -"hậu duệ" của nhà dạy thú Tạ Duy Hiển và là người đã có hơn 30 năm phụ trách biểu diễn xiếc voi, xiếc khỉ... - cho biết: "Trước khi nghỉ hưu tôi đã đã đề nghị với Bộ VH,TT&DL nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo điều kiện sống cho các con thú. Bây giờ mọi người đến thăm có thể thấy khu chuồng trại rất khang trang, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, thời tiết, chế độ ăn uống cho từng loại, con thú lúc nào cũng đầy đủ..."
Ông Nhẫn kể thêm một vài chuyện nhỏ, như để chứng minh đôi khi con thú được biệt đãi chẳng thua kém gì con người. Chẳng hạn, bất kể bằng giá nào cũng phải kiếm bằng được mật ong cho gấu; động vật biểu diễn nhiều cũng cần phải được nghỉ ngơi bằng cách đưa đi các trang trại, vườn thú nghỉ dưỡng với yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện sống cho thú như diện tích, thức ăn, môi trường, các dịch vụ y tế...; con thú nào ốm đau, bệnh tật thì cắt cử anh em đêm hôm cũng phải chăn màn đến ngủ để túc trực, phòng trường hợp... có biến còn xử lý kịp.
Không phải rạp xiếc nào cũng "huấn luyện tiêu cực"
Về việc huấn luyện thú, cả ông Thắng và ông Nhẫn đều phủ nhận việc sử dụng roi điện và các phương pháp "huấn luyện tiêu cực" gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần con thú.
Ông Nhẫn nói: "Từ thời cụ Hiển, việc huấn luyện thú cũng không bao giờ dùng roi điện hay các biện pháp mạnh. Nếu làm con thú đau và sợ hãi, sẽ có lúc nó phản kháng, và gây nguy hiểm đến tính mạng người huấn luyện nó." Theo ông, cây roi mà mọi người hay nhìn thấy nghệ sĩ sử dụng khi biểu diễn chỉ là công cụ thay cho khẩu lệnh. Bởi, con thú không hiểu tiếng người, nhưng nó sẽ nhớ một tiếng roi là động tác gì, hai tiếng phải làm gì...
"Có những người không chịu tìm tòi, không chịu áp dụng các phương pháp khoa học, khi dạy chỉ theo bản năng, theo phản xạ, một là giơ roi lên để nó sợ, hai là 'dụ dỗ' bằng mồi ăn" – ông Thắng kể thêm. "Cách này theo tôi chưa thực sự hiệu quả. Với tôi, khi huấn luyện những con trăn, tôi phải là người yêu chúng, luôn xem động vật như những người bạn. Thậm chí, ở Liên đoàn xiếc, có những nghệ sĩ phải "ăn ngủ" với "bạn diễn" của mình để hai bên ngày thêm hiểu nhau hơn.
Theo ông Thắng, gần đây, xu hướng của quốc tế trong việc huấn luyện động vật rất tiến bộ. Con người đã làm việc với con thú bằng cách tìm hiểu hoạt động tự nhiên, các phản xạ và cá tính của con thú để từ đó đưa ra những liệu pháp, bài tập phù hợp với từng con thú. "Giả dụ có những con thú hay tăng động, nghịch ngợm thì người ta tìm những bài diễn để phù hợp với cá tính tính cách đó của nó" – ông Thắng lý giải - "Người ta phải tận dụng ngay những đã có sẵn trong tính cách của con thú để xây dựng tiết mục. Từ đó khoảng cách giữa con người và động vật sẽ bị xóa bỏ để trở thành những người bạn diễn thật sự của nhau."
Ông Thắng khẳng định, từ lâu các nghệ sĩ huấn luyện thú tại Liên đoàn đều áp dụng những liệu pháp và bài tập như thế. Vì vậy, ý kiến cho rằng các rạp xiếc ở Việt Nam đều áp dụng phương cách "huấn luyện tiêu cực" đối với các con thú (trong đó có Liên đoàn Xiếc Việt Nam) là chưa thực sự hiểu hết về nghề nghiệp và đời sống con thú phía sau ánh đèn sân khấu!
Quan tâm tới "vận mệnh" của các con thú Ông Tạ Duy Nhẫn cho biết, từ ngày ông còn "đương chức", lãnh đạo ngành văn hóa rất quan tâm đến bộ môn xiếc thú và đặc biệt là quan tâm tới "vận mệnh" của các con thú. Ông kể, một lần, lãnh đạo ngành sau khi xuống tận nơi khảo sát đã "dọa" Liên đoàn xiếc: "Đây là Thủ đô, các anh mà để sổng ra một con thú, đe dọa đến sự an nguy của người dân thì sẽ bị "xử" ngay lập tức. Các anh phải đảm bảo cho con thú có điều kiện sống tốt nhất, đồng thời khi huấn luyện phải lấy tình yêu thương, làm chính, tránh những biện pháp thô bạo. |
(Kỳ 3: Muốn bỏ cần phải có lộ trình)
Phạm Huy
Tags