(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh khuyến nghị "cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc" mà Liên minh châu Á vì Động vật (AFA) đưa ra, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật của tổ chức này.
- Xung quanh khuyến nghị của AFA về xiếc thú (kỳ 3): Muốn bỏ xiếc thú cần phải có lộ trình
- Xung quanh khuyến nghị của AFA về xiếc thú (kỳ 2): Những 'nghệ sĩ động vật' được đối đãi thế nào?
- AFA khuyến nghị về xiếc thú: Những cảnh báo 'gây sốc'
Ông Thành cho biết:
- AFA đưa ra khuyến nghị này là dựa trên những quan ngại về tình trạng phúc lợi của những động vật được sử dụng trong các rạp xiếc. Theo các kết quả điều tra, không chỉ ở Việt Nam, mà trên phạm vi toàn thế giới, phúc lợi của động vật, đặc biệt các loài động vật hoang dã, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các quá trình huấn luyện, biểu diễn, và điều kiện chăm sóc hết sức tồi tệ.
Ngoài ra, nguồn gốc của các động vật hoang dã sử dụng trong các rạp xiếc cũng là một điều đáng lo ngại, khi nhiều động vật có nguồn gốc hoang dã hoặc qua buôn bán bất hợp pháp, đặc biệt bao gồm nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, được pháp luật bảo vệ, như gấu, voi, đười ươi…
* Nhiều ý kiến cho rằng việc AFA nhận định hầu hết các rạp xiếc đều áp dụng cách “huấn luyện tiêu cực”, chăm nuôi không tốt và không quan tâm đến phúc lợi cho động vật là thiếu khách quan?
- Nhận định này đưa ra dựa trên những khảo sát thực tế về tình trạng chăm sóc, điều kiện sống, huấn luyện và biểu diễn của động vật. Nhu cầu mang đặc trưng của loài và đời sống tinh thần của hầu hết những động vật được sử dụng biểu diễn xiếc đều không được đáp ứng.
Hầu hết các đoàn xiếc, đặc biệt các đoàn xiếc rong chỉ tập trung vào lợi nhuận, không thể và không đáp ứng được các nhu cầu của động vật, thậm chí an toàn của động vật và công chúng cũng không được đảm bảo. Có thể có những rạp xiếc lớn có điều kiện chăm sóc tốt hơn về thể chất nhưng phương pháp huấn luyện thường là tiêu cực, sử dụng các hình thức ép buộc động vật thực hiện các hành vi phi tự nhiên.
Ngoài ra, động vật, như gấu, khỉ, voi… thường bị tách khỏi bố mẹ, gia đình từ khi còn rất nhỏ. Ngoài thời gian huấn luyện và biểu diễn, những loài động vật sống bầy đàn như voi, khỉ thường bị xích, nhốt riêng lẻ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và phúc lợi động vật.
* Hiệp hội Các đoàn xiếc châu Âu (ECA) - một tổ chức phi chính phủ - với sứ mệnh thúc đẩy văn hóa và nghệ thuật xiếc cổ điển, lại nhận định dùng động vật trong rạp xiếc mang tính giáo dục, giải trí và giúp người dân hiểu được khả năng của động vật. Vậy nhưng khuyến nghị của AFA lại cho rằng: các tiết mục xiếc thú không có tính nghệ thuật và giáo dục, khiến không ít người trong nghề, thậm chí là công chúng không đồng tình. Ông giải thích thế nào?
- Các rạp xiếc có rất ít đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu tự nhiên của các loài động vật hoang dã, hay những nguy cơ, những mối đe dọa mà chúng phải đối mặt ngoài tự nhiên. Một số cơ sở còn cung cấp những thông tin sai lạc.
Việc tiếp tục sử dụng động vật làm đối tượng giải trí không hề giúp tạo ra sự tôn trọng và cảm thông đối với các loài động vật, trong đó có nhiều loài đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài hoang dã.
Dựa trên những thực tế trên, tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, thậm chí có những quốc gia đã cấm sử dụng tất cả các loài động vật biểu diễn xiếc.
* Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhiều đoàn xiếc ở Việt Nam từ lâu đã chuyển đổi các kịch mục liên quan đến động vật. Cụ thể là dần thay thế động vật hoang dã bằng động vật nuôi như chó, gà, vịt, trâu, bò… Ông nghĩ gì về cách chuyển đổi được cho là phù hợp với xu hướng chung của thế giới như đã nêu?
- Thật tốt khi biết rằng những đoàn xiếc này đang xem xét việc ngừng sử dụng các loài động vật như khỉ, gấu và voi, và chuyển sang sử dụng các động vật thuần hóa khác.
Quan điểm của chúng tôi về việc sử dụng động vật thuần hóa là khác nhau, tùy theo các loài khác nhau, và nó cũng phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện sống của chúng và cách chúng được huấn luyện. Một số loài động vật như gà sẽ sợ hãi khi chúng bị buộc phải ở trong một khu vực đông người, vì trong tự nhiên chúng sẽ luôn tránh đến nhưng nơi như vậy. Do đó, chúng tôi cũng sẽ không ủng hộ điều này vì có khả năng nó sẽ tác động tiêu cực đến phúc lợi của động vật.
Nếu con người sử dụng động vật mà gây tổn hại đến phúc lợi của chúng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì chúng tôi đều không ủng hộ.
* Theo ông, có cần thiết có một đạo luật liên quan đến phúc lợi động vật tại Việt Nam?
- Tình trạng sử dụng động vật trong biểu diễn xiếc và các tiêu chuẩn nuôi nhốt thấp tại Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đang góp phần tạo ra hình ảnh tiêu cực về công tác chăm sóc động vật hoang dã nuôi nhốt tại Việt Nam trong bối cảnh quốc tế.
Ngoài các rạp xiếc, rất nhiều loài động vật hoang dã cũng đang phải chịu đựng trong nhiều vườn thú, khu du lịch, bộ sưu tập cá nhân, thậm chí tại một số trung tâm thương mại. Theo ghi nhận của chúng tôi, kể cả các loài vật nuôi, và động vật nuôi trang trại cũng đang phải chịu đựng các điều kiện sống thấp, trong quá trình vận chuyển, và giết mổ. Rất nhiều các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã có các đạo luật về phúc lợi động vật, điều mà Việt Nam cũng đang cần nhưng còn thiếu!
* Xin cảm ơn ông.
(Kỳ 5 & hết: Tiếp nhận, nhưng phải phù hợp với truyền thống)
Phạm Huy – Hà My (thực hiện)
Tags