(Thethaovanhoa.vn) - Trưa nay 28/3, theo báo Tuổi Trẻ Online, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.
Cơ quan điều tra ban hành quyết định trên từ ngày 26/3, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết là một tháng.
Cơ quan chức năng cũng đã mời ông Quyết lên để làm việc xác minh một số nội dung.
Trước đó, tối 27/3 và sáng 28/3, trên một số trang mạng, diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam. Theo Tuổi Trẻ Online, ông Quyết không bị tạm giam, các tin đồn liên quan về việc chủ tịch FLC bị khởi tố bắt tạm giam là tin đồn thất thiệt.
Tuy nhiên, đầu giờ chiều hôm nay 28/3, theo Dân Việt, thông tin Bộ Công an hoãn xuất cảnh Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết không chính xác.
- Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng
- Ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Chiều 28/3, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay, thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là thất thiệt, không chính xác. Mặt khác, cơ quan này cũng đã cử người xác minh thông tin cho rằng cơ quan này đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết.
Cũng theo Dân Việt, cơ quan điều tra Bộ Công an đang xác minh một số thông tin từ dư luận báo chí nêu trước đây liên quan các doanh nghiệp và dự án do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập, điều hành.
Chứng khoán phiên 28/3: Nhóm cổ phiếu FLC và nhiều mã bất động sản giảm sàn
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 28/3. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ FLC đồng loạt giảm sàn và trắng bên mua. Đến phiên chiều, lực bán vẫn tiếp tục dâng cao khiến VN-Index không có cơ hội hồi phục.
Theo đó đến cuối phiên giao dịch, các cổ phiếu họ FLC như: AMD, FLC, HAR, ROS giảm hết biên độ và trắng bên mua. Bên cạnh đó, nhiều mã nhóm bất động sản như: DIG, HQC, LDG, NBB, QCG, VPH, VRC cũng giảm xuống giá sàn. Các mã vốn hóa lớn ngành bất động sản như: VIC, VHM, VRE, NVL, BCM, KDH… chìm trong sắc đỏ.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá là NVB và SGB. Tất cả 25 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại giảm giá. Nhóm chứng khoán cũng còn lác đác vài mã ở chiều tăng giá.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 có tới 24 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng giá đã tạo áp lực giảm điểm lớn lên chỉ số VN- Index.
Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu thủy sản tăng rất mạnh; trong đó, nhiều mã tăng trần như: ACL, CMX, FMC. Các mã khác như: VHC, VNH, ANV, ABT, AAM ở chiều giá xanh. Trong nhóm cổ phiếu thủy sản không có mã nào giảo giá. Nhóm cổ phiếu hóa chất, phân bón vẫn diễn biến tích cực. Các mã DCM, DPM, BFC, CSV, DGC… có mức tăng khá mạnh.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng nhẹ. Cụ thể, khối này bán ròng gần 87 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng 3,44 tỷ đồng trên HNX và 19,64 tỷ đồng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index giảm 15,32 điểm xuống 1.483,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,065 tỷ cổ phiếu, tương ứng trên 32.880 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 315 mã giảm giá và 43 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 6,86 điểm xuống 454,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 154,8 triệu đơn vị, tương ứng gần 4.666 tỷ đồng. Toàn sàn có 88 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 40 mã đưng giá.
UPCOM- Index giảm 0,99 điểm xuống 116,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 92,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.033 tỷ đồng. toàn sàn có 166 mã tăng giá,197 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.
Đầu năm nay, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng
Ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, địa chỉ: B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán : FLC) bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Thông tin từ cơ quan quản lý còn cho biết thêm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/1/2022.
Trước đó, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trên cơ sở báo cáo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, giao dịch bán cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan liên quan để đưa ra giải pháp xử lý.
Thông tin chính thức cũng đã được công bố ngay đầu giờ sáng ngày 11/1/2022. Tối 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có Quyết định số 19/QĐ-UBCK phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Tiếp đó, chiều ngày 11/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo HOSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.
HOSE hủy bỏ giao dịch này là do ông Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng trên tinh thần vì sự minh bạch, lành mạnh của thị trường, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan đã rất khẩn trương khai triển nhiều giải pháp để ra quyết định như trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo HOSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng giao dịch bán từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch. Các giao dịch hủy bỏ là các giao dịch đối ứng với giao dịch bán cổ phiếu FLC ngày 10/1 từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2022 và các năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác giám sát giao dịch, chủ động, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán.
Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa Sở giao dịch chứng khoán trong giám sát, phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm trên thị trường, kịp thời tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.
Nhóm P.V
Tags