Yangon xa mà gần

Thứ Ba, 24/12/2013 15:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi tạm biệt Yangon bằng một bữa cơm thuần Việt tại nhà cô dâu Việt đầu tiên tại Yangon, chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh. Tình cảm nồng ấm của những người Việt viễn xứ, cùng người dân cố đô hiền lành chất phác đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong tôi.

Hương sắc Việt ở Yangon

Nhà chị Thanh ở vùng ngoại ô, cách thành phố khoảng 20 km. Đấy là một tòa biệt thự lớn với tổng diện tích 1 héc ta, nằm ngoằn nghèo trong xóm nhỏ có đường đá sỏi đi vào. Giữa một cái xóm xung quanh dân ngụ cư nghèo khổ với những căn nhà được dựng tạm bất hợp pháp, những đứa trẻ nhếch nhác,  những cánh đồng còn trơ gốc rạ ếch nhái râm ran, trông dinh thự của chị Thanh nổi lên như một  biệt phủ. Bước vào cổng là một cái chốt bảo vệ. Giây kẽm gai bao bọc quanh tường. Thật tự hào khi thấy một người Việt trở thành đại gia ở chốn này.

Biệt thự của chị Thanh có tất cả những thứ cần thiết, từ bể bơi đến đủ các loại hoa mang sắc màu Việt Nam rồi những luống rau mùa nào thức đấy. Nào rau muống, sả, ớt, tía tô, canh giới, mì tàu, diếp cá, ngải cứu, hành tây, rau quế, rau răm…Chị bảo rằng đấy là những thứ chị mang sang từ Việt Nam. Nhiều người dân địa phương cũng đến xin giống. Thế rồi, cái xóm nhỏ tự dưng có chút hương sắc Việt. Các Việt kiều, các đoàn doanh nghiệp sang đây, ho thường “ới” chị Thanh bảo hôm nay có món gì ngon nấu cho ăn với! Ngôi nhà chị Thanh do đó ấm hẳn lên bởi những cuộc ẩm thực mang phong vị Việt Nam, giúp cho nối nhớ quê hương vơi đi phần nào.

Hôm chúng tôi đến khách còn có anh Đào Ngọc Tâm, Đại diện cho hội doanh nghiệp cả TP.HCM tại Yangon. Anh Tâm đã 60 tuổi, nhưng vẫn xung phong sang Yangon từ tháng 6 năm nay để làm cầu nối cho các doanh ngiệp TP.HCM. Tuy thời gian ngắn nhưng anh bảo đã yêu thành phố này, ở sự thật thà của người dân và cái sự sống chậm của Yangon.

Yêu như là yêu thôi

Bữa tiệc có cơm tấm, bánh bèo Huế cùng các món ăn khác của Việt Nam khiến chúng tôi thực sự phấn chấn vì gần một tháng xa nhà. Chuyện thì nhiều vô kể, chị Thanh như dốc hết cõi lòng bởi lâu lắm rồi mới có người muốn biết “tiểu sử” của mình.

20 năm trước, Thanh 30 tuổi, là cán bộ của Cảng Sài Gòn. Lúc đó, chị thực sự là tiểu thư bởi gia đình cô khá giả. San Htin Cho là thuyền trưởng một tàu hàng to vật. Một lần cập cảng Sài Gòn, hai người “chập”mặt nhau, San Htin Cho mê đắm ngay cô gái Việt hiền lành ít nói. Thế rồi, nhưng lá thư cứ thế tấp nập. Mỗi tháng 1 lá, rồi 4 lá, rồi Tuần 1 lá sau “nâng cấp” thành tuần 4 lá kể lể bao nỗi nhớ nhung và liệt kê tất cả những gì anh chàng làm việc trong ngày. Tựu trung là làm gì, ăn gì cũng nhớ đến Thanh. Đến mức mẹ của chị bảo rằng chỉ thiếu “đi vệ sinh thằng này mới không khai với mày”!

“Chưa ai cưa gái  lì như lão này. Lão sắm cả ống nhòm để từ trên boong tàu canh chị. Lão bỏ tiền ra thuê người đi điều nghiên nhà chị, rồi điều tra lý lịch gia ảnh nhà chị. Sau này lão mới khai”. Chị Thanh mắng yêu chồng. San Htin Cho chỉ cười hiền. Ở anh chẳng thấy bóng dáng một đại gia gì cả. Chính cái vẻ khù khờ, chân chất cùng các biểu lộ tình yêu chân thành đó là điểm quan trọng nhất mà chị Thanh bảo cưa đổ mình, chứ tiền bạc thời đó gia đình chị không thiếu, những năm 1989 chị đi làm bằng xe Vespa là “đỉnh”, ăn mặc toàn hàng hiệu! Tất nhiên, cái mác thuyền trưởng viễn dương thời đó cũng là hấp lực cực lớn. Với chị Thanh, ngoài tình yêu,  đơn giản lấy anh sẽ được viễn du khắp năm châu 4 biển.

Và sau chuỗi ngày lo thủ tục giấy tờ kết hôn cực trần ai, năm 1990, một đám cưới thuộc dạng đình đám ở TPCM lúc đó diễn ra giữa cô dâu Việt và chàng trai Myanmar. Sau đó, chị Thanh xin được lên tàu theo chồng. Là vợ của thuyền trưởng, chị Thanh bảo mình được đối  xử tốt lắm. 5 năm (từ 1990 đến 1995) lênh đênh với chồng đi khắp thế gian là quãng thời gian đẹp nhất, là “trăng mật” kéo dài. Chỉ có biển và trời, tất cả tình thương yêu chồng dành hết cho mình, cưng hơn trứng mỏng. Thế nên,  nên những con sóng biển gầm gào,  2 trận bão tưởng đã nhấn chìm con tàu, nhưng tất cả chỉ làm cho tình yêu hai người sâu đậm thêm. Thậm chí, gặp bão lớn, có lúc cận kề cái chết, chị Thanh bảo cũng mãn nguyện vì được gắn bó cùng chồng, và không hiểu sao úc đó chị liên tưởng đến…phim Titanic.

Ông xã hứa sau này khi lên bờ sẽ định cư ở Mỹ. Vậy mà năm 1995 chị cùng chồng đã phải về lại Myanmar sinh sống. Đơn giản vì nếu đi Mỹ thì gia sản sẽ thuộc hết về em trai San Htin Cho. Chẳng lẽ bao năm làm lụng gom góp xây dựng cho cơ ngơi, lại phải làm lại từ đầu nếu đến Mỹ? Thế rồi chị Thanh phải theo chồng ở lại Yangon. Căn nhà đằng nội bán chia cho vợ chồng chị 300.000 USD thời điểm 1995 là quá khủng. Từ số vốn này, hai vợ chồng buôn bán, anh theo mảng kinh doanh tàu biển, cửa hàng mỹ phẩm, chị lo mảng nhà hàng. Kinh tế gia đình ngày càng phất lên. Hai người có cô gái gái nhỏ, cháu Huỳnh Y. Cô bé 16 tuổi mũm mĩm thích nhạc Bảo Thy và ăn cơm tấm, thịt kho tàu, nói tiếng Anh như gió, tiếng Việt thì lơ lớ, rất buồn cười. Nhưng chị Thanh vẫn chưa được nhập quốc tịch, đấy là nỗi ám ảnh lớn nhất với chị 19 năm nay bởi lỡ có bề gì thì tay trắng.

Tạm biệt gia đình chị Thanh, chị Tín, anh Tâm, anh Thịnh, anh Phước Anh….những người Việt mà chúng tôi coi như cuộc hạnh ngộ lớn trong cuộc đời. Tạm biệt Yangon với màu xanh thẫm rợp bóng cây xanh, những đàn chim dập dìu trên vỉa hè, trên dây điện như từng nốt nhạc.

Yangon giờ chỉ cách Hà Nội, TP.HCM hơn một giờ bay thôi…

Hữu Quý (Từ Yangon)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›