(Thethaovanhoa.vn) - Nói về Hà Nội, nhiều người vẫn dùng khái niệm “tình yêu phổ quát” khi nhắc tới những nghệ sĩ có tham vọng bao quát toàn bộ hiện thực sống động của Thủ đô trong sáng tác của mình, bất kể khu vực, lứa tuổi, cách sinh hoạt hay một mảng đề tài nào. Nguyễn Việt Thanh là một người như vậy.
1. Cuộc triển lãm ảnh của Nguyễn Việt Thanh với cái tên Hà Nội trong mắt ai diễn ra 2 tháng trước đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy. 30 bức ảnh là 30 bức tranh phản ánh trung thực về quá trình sinh hoạt của người dân Hà Nội trong 15 năm, từ 2005 – 2019. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Đình Thuận (nguyên trưởng khoa Lý luận – Phê bình, Đại học Nghệ thuật Huế) nhận xét rằng, các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh đã thành công trong việc tạo nên một tổng thể về cuộc sống của Thủ đô.
Ông nói: “Dù xét khách quan, anh chưa bao quát được hết đời sống hiện thực của Hà Nội, nhưng người xem vẫn cảm nhận được về một hiện thực đa dạng được phản ánh”.
Lê Thanh Hải, chủ một phòng tranh tại Hà Nội, cũng có phản ứng tích cực về cách thực hiện bộ ảnh của Nguyễn Việt Thanh. “Tôi thích bố cục dàn trải của bộ ảnh, để cho người xem ngẫm nghĩ và cảm xúc về một Hà Nội đa dạng, không phải Hà Nội chuyên biệt của một lứa tuổi, một tầng lớp cụ thể” – anh chia sẻ - “Đây rõ ràng là một Hà Nội có tính phổ quát”.
Thật vậy, Nguyễn Việt Thanh tự nhận xét về tình yêu Hà Nội phổ quát của bản thân: “Là một người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi cũng như bao nhiêu người Hà Nội khác luôn có tình cảm đặc biệt với mỗi sự đổi thay của thời gian trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây đều đã in đậm dấu ấn thửa ấu thơ, một thời khốn khó, một thời gian nan”.
“Cuộc sống và sinh hoạt của người dân Hà Nội hấp dẫn tôi bởi những điều giản dị như thế, nó đến với tôi tự nhiên như hơi thở chứ không thể diễn giải tại sao được”, anh tâm sự thêm.
2. Sáng tác về Hà Nội, mọi nghệ sĩ đều gặp một rào cản: nên phản ánh thực tế nào mà khán giả ngay lập tức hiểu và cảm nhận rằng đó là một nét riêng của Hà Nội?
Trước câu hỏi này, cách giải quyết của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh là đáng chú ý. Anh không đặt bản thân người nghệ sĩ ở vị trí trung tâm để cảm nhận về thực tế, từ đó phản ánh nó. Trái lại, trung tâm của các tác phẩm là những con người của Thủ đô. Anh quan tâm đến cảm nhận, suy nghĩ của những người dân, chứ không cố áp đặt một mong muốn, cảm nhận chủ quan của cá nhân. Nguyễn Việt Thanh chia sẻ rằng, bản thân “ưu tiên nhiều cho đề tài sinh hoạt và cuộc sống của thị dân vì tôi cảm nhận được vẻ đẹp của Hà Nội và con người nơi đây trong quá trình họ sống và mưu sinh hàng ngày”.
Suy nghĩ và cảm nhận nghệ thuật của Nguyễn Việt Thanh không máy móc, rằng chỉ có những địa điểm quen thuộc như Hồ Gươm, khu vực phố cổ Hà Nội - ba sáu phố phường, cầu Long Biên, khu phố Tây,… mới thật sự là Hà Nội. Với Nguyễn Việt Thanh, địa lý của Hà Nội không chật hẹp như vậy, mà mở rộng ra phạm vi của ngoại thành của Thủ đô kể từ khi được mở rộng năm 2008. Một số bức ảnh mà anh ghi lại quá trình người dân những làng ngoại thành Hà Nội chuẩn bị lễ hội là một minh chứng.
Vì không gò bó thực tế sống động vào một khuôn mẫu nhất định, Nguyễn Việt Thanh cũng không tự hạn chế tác phẩm của bản thân phải phản ánh một thông điệp chủ quan. Như Lê Thanh Hải chia sẻ, “cách đặt vấn đề của Nguyễn Việt Thanh để ngỏ cho người xem cảm nhận và đánh giá”.
Chính công việc vừa là một nhà nhiếp ảnh, vừa là một nhà báo tại báo Vietnam News (thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam) của Nguyễn Việt Thanh đã đưa anh tới quan điểm đúng đắn về việc phản ánh hiện thực Hà Nội. Anh cho rằng “có lẽ do xuất thân tôi là một phóng viên ảnh báo chí nên tôi luôn quan niệm là thông điệp gì thì đều phải tôn trọng sự thật”.
Nhưng làm sao để “Hà Nội trong mắt ai” thực sự là một thực tế sống động của những cư dân Thủ đô được phản ánh trung thực trong tác phẩm nghệ thuật? Phải làm sao để nó không biến thành Hà Nội trong con mắt chủ quan của một cá nhân nhất định? Và làm thế nào bộc lộ một tình yêu Hà Nội phổ quát như Nguyễn Việt Thanh mong muốn?
Với ba câu hỏi trên, câu trả lời sau đây của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh là tương đối thỏa đáng: “Cần nhìn hiện thực bằng sự cảm thông và lòng trắc ẩn, thì khuôn hình của người nghệ sĩ mới dễ chạm được vào cảm xúc của người xem”.
Nguyễn Thành
Tags