Youtube ở Việt Nam: Bao giờ nội dung mới... sạch?

Thứ Tư, 24/07/2019 14:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi những video có tính chất giang hồ như của Khá Bảnh được gỡ xuống, khoảng 22 triệu người dùng Youtube tại Việt Nam đang tiếp tục phải chứng kiến các Youtuber sử dụng chiêu trò phản cảm khác để thu hút người xem.

Nhiều nội dung gợi dục, kích động... trên YouTube có nguồn gốc từ Việt Nam

Nhiều nội dung gợi dục, kích động... trên YouTube có nguồn gốc từ Việt Nam

Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), rất nhiều nội dung vi phạm trên YouTube có nguồn gốc từ Việt Nam, chủ yếu do người dùng Việt Nam làm ra.

Kiếm tiền bất chấp thủ đoạn

Thử thách một ngày làm heo, vào nghĩa địa lấy đồ cúng, 24 giờ sống trong quan tài hay đổ nước mắm lên đầu mẹ… là cách những Youtuber Việt đang làm video để câu view. Đa phần, những video này đều chứa đựng nội dung phản cảm, bạo lực gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguy hiểm thay, nhiều bạn trẻ đang có tư duy làm video với nội dung điên rồ, ngay cả là hạ thấp danh dự bản thân và cả những người trong gia đình nhằm có được sự nổi tiếng. Điều đáng nói, chính những nội dung gây sợ, gây sốc như vậy lại đang thu hút lượng xem rất lớn và lọt vào tab (trang) thịnh hành. Mới đây, kênh Youtube có tên Mập Vlogs đã khiến cộng đồng mạng bức xúc bởi clip đổ nước mắm lên đầu mẹ ăn mừng 1.000 lượt đăng ký.

Chú thích ảnh
Hành động đổ 200 quả trứng vào đầu mẹ mình của Tiến Lắp bị chỉ trích dữ dội

Trong đoạn clip, người này đã sử dụng ba chai nước mắm và leo lên sân thượng để đổ vào đầu mẹ mình. Tuy đã được gỡ bỏ nhưng người này vẫn hứng cơn mưa chỉ trích từ dư luận bởi hành động lố lăng, thiếu suy nghĩ. Cá biệt có trường hợp của Tiến Lắp Vlogs, Youtuber này đã đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ mình từ ban công nhân dịp kênh nhận được 20.000 lượt đăng ký, tạo ra làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng. Dù mẹ của Youtuber cũng đã lên tiếng thanh minh cho cậu con trai của mình nhưng người này vẫn bị hành hung vì đã có hành động hỗn láo.

Trên các diễn đàn, đa phần mọi người đều tỏ ra bức xúc với hành động của các Youtuber. Khán giả Hikiri Fox chia sẻ: “Dành cả đời nuôi con để rồi thế này! Đạo đức của một bộ phận người trẻ đã suy đồi đến mức này rồi!”. Hay tài khoản Nguyễn Hà nhận định: “Đây là hậu quả của lối sống lệch lạc, ảo tưởng của một số thanh niên hiện nay”.

Hiện, chính sách chi trả của Youtube được cho chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Khi những video có lượt xem càng cao cũng đồng nghĩa với việc số lượt click vào quảng cáo cũng tăng theo. Những video có vài triệu lượt xem, số tiền thu về cũng không phải là nhỏ. Chính điều này đã khiến nhiều bạn trẻ làm video bất chấp những tiêu chuẩn về đạo đức, miễn sao thu hút được người xem.

Thiếu cơ chế quản lý

Thực tế cho thấy mặc dù Youtube và Google đã có những động thái mạnh tay nhằm siết chặt quản lý nội dung trên các nền tảng của mình nhưng dù vậy người dùng vẫn có những cách “lách luật” nhằm thỏa mãn sự tò mò. Chỉ cần một vài thao tác chỉnh sửa tuổi trên hồ sơ cá nhân mà không cần bất cứ giấy tờ chứng minh nào, người dùng đã có thể tiếp cận với các video không phù hợp với độ tuổi.

Hiện Youtube đang trực tiếp quản lý hơn 130.000 kênh tiếng Việt, trong đó có 55.000 video có nội dung xấu, vi phạm pháp luật. Mặc dù đại diện Google cũng đã khẳng định đã tăng cường công tác quản lý và gỡ bỏ hàng nghìn video có nội dung không lành mạnh nhưng không thể phủ nhận rằng, những video này vẫn xuất hiện nhan nhản trên Youtube. Thậm chí, nhiều kênh mới thành lập còn cố tình tạo nội dung gây sốc để thu hút sự chú ý hoặc re-up (đăng tải lại những video gốc có nội dung xấu từ kênh hoặc video đã bị xóa). Phía những nhà quản lý cũng thừa nhận rằng không có một công cụ công nghệ nào có thể quét hết những nội dung xấu trên website của họ và cũng không thể ngồi xem thủ công từng video.

Mức xử phạt hiện nay đối với việc đăng tải các hành vi vi phạm tuần phong mỹ tục ở nước ta chỉ khoảng 20.000.000 đồng. Mức phạt này được cho là không thấm vào đâu so với nguồn lợi thu về từ những video có nội dung xấu.

Về phía người dùng, không còn cách nào khác, họ phải chủ động có biện pháp xử lý online như báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ để ngăn người thân của mình có thể xem phải những nội dung xấu. Chỉ khi những video thô tục được gỡ bỏ hoàn toàn, khi đó, Youtube mới thực sự là kênh thông tin lành mạnh cho mọi lứa tuổi.

Đình Toán/Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›